Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng kinh tế Hà Nội: 3 kịch bản, 1 mục tiêu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù năm 2012 kinh tế Hà Nội vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách nhưng những cảnh báo, dự báo năm 2013 không mấy lạc quan, với nhiều hệ lụy phải gánh chịu và nhiều thách thức phải vượt qua.

Tăng trưởng kinh tế Hà Nội: 3 kịch bản, 1 mục tiêu - Ảnh 1
 
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)
 
Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã và đang chuẩn bị những bước đi của riêng mình. Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những dự định và giải pháp năm 2013 của Hà Nội.

- Hà Nội đã có những nhận định, dự báo gì cho năm 2013, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thế Thảo: Hà Nội đã dự báo, chắc chắn kinh tế năm 2013 sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí là khó khăn hơn năm nay. Tuy nhiên, Hà Nội luôn cầu thị, nỗ lực phấn đấu và đã kêu gọi các cấp, các ngành ra sức phấn đấu với mục tiêu kinh tế Thủ đô tiếp tục đà tăng trưởng. Thành phố cũng đã lường trước những vấn đề dễ nảy sinh và dự báo từ xa để có những giải pháp, “liều thuốc” hữu hiệu.

Vì vậy, Hà Nội đã xây dựng “ba kịch bản” phát triển kinh tế, trong đó mỗi một kịch bản có những gói giải pháp riêng biệt: thứ nhất là, nếu kinh tế khó khăn hơn năm nay thì Hà Nội dự kiến mức tăng trưởng dưới 8%; thứ hai là, kinh tế vẫn như năm nay thì dự kiến tốc độ tăng từ 8-8,5% và cuối cùng nếu kinh tế khởi sắc hơn thì mức tăng trưởng sẽ đạt trên 8,5%.

Nhưng qua phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới, thì Hà Nội đề xuất mức tăng trưởng đạt từ 8-8,5%.

- Để đạt được mục tiêu trên, ông có thể cho biết Hà Nội đã đề ra các giải pháp gì?

- Ông Nguyễn Thế Thảo: Thành phố Hà Nội lấy năm 2013 làm năm “Cải cách hành chính,” sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân, trong đó đổi mới mạnh mẽ giải quyết thủ tục, thu hút đầu tư, tạo việc làm nhiều hơn cho người lao động. Song hành với các quy định là việc kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành và sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ tắc trách, sai phạm.

Ngoài những chính sách đã đưa ra năm nay, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;” thu hút mạnh đầu tư bên ngoài; phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đưa khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất, điều hành; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp nông thôn và đặc biệt chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm.

Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục siết chặt chi tiêu công, không xem xét và cấp kinh phí cho những dự án chưa cần thiết, kém hiệu quả.

Vấn đề quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn bất động sản, thành phố đã đề ra 5 giải pháp lớn, là xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; rà soát lại nguồn cung-cầu về nhà ở, xác định rõ nhu cầu của thị trường để cơ cấu lại sản phẩm; có chính sách kích cầu, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở tiếp cận được quỹ nhà và nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, nhất là giải quyết nợ xấu và chính sách hỗ trợ về vốn, giải quyết quỹ nhà tồn đọng và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quy hoạch, đầu tư, tài chính, xây dựng, đất đai.

Điểm đáng lưu ý, tới đây Hà Nội chỉ đạo sẽ huy động nguồn vốn để mua lại một số nhà thương mại làm nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội. Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai 53 dự án nhà tái định cư với quy mô 14.310 căn hộ. Tiếp tục tiến hành đầu tư xây dựng thí điểm và đưa vào sử dụng nhà ở xã hội theo hình thức cho thuê với quy mô khoảng trên 800 căn hộ ở khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên); tiếp tục xây dựng trên 600 căn hộ cho công nhân khu công nghiệp Phú Nghĩa, Kim Chung, Đông Anh.

Riêng hai dự án xây dựng nhà ở sinh viên, tập trung chủ yếu tại khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp đáp ứng chỗ ở cho gần 22.000 sinh viên và khu Mỹ Đình II đáp ứng chỗ ở cho gần 7.400 sinh viên, dự kiến hoàn thành bàn giao trong năm 2013.

- Ông có thể cho biết, thành phố sẽ làm gì để minh bạch hơn trong thu hút vốn đầu tư?

- Ông Nguyễn Thế Thảo: Để giảm gánh nặng cho ngân sách, Hà Nội đã chú trọng huy động lượng lớn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn với 900.000 tỷ đồng, tăng 9,23%, tổng dư nợ cho vay gần 630.000 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước.

Tuy nhiên, việc huy động vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển, nhất là dự án đầu tư theo hình thức BT còn chậm, do nhiều nguyên nhân như chờ quy hoạch, kiểm tra rà soát kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vì vậy, tới đây Thành phố công khai danh mục các dự án BT tiếp tục được triển khai, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các thủ tục, điều chỉnh quy hoạch. Đây là việc Hà Nội sẽ quan tâm tháo gỡ, đồng thời tăng cường quản lý.

- Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua, vậy Hà Nội có kế hoạch triển khai như thế nào và tới đây có ưu tiên cho một số lĩnh vực nào không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thế Thảo: Luật Thủ đô là cơ sở pháp lý rất tốt để Hà Nội triển khai các chương trình một cách năng động, thuận tiện và đỡ “vướng” hơn. Một số chính sách tới đây sẽ được ưu tiên và thuận lợi hơn rất nhiều như quy hoạch xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường, đất đai, nhà ở, giao thông vận tải; phát triển hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; đảm bảo an ninh, trật tự; chính sách, cơ chế về tài chính...

Với trách nhiệm được giao, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ nghiêm túc chỉ đạo, triển khai thực thi Luật một cách có hiệu quả nhất, có những việc phải triển khai ngay, có những việc phải xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình, quy định cụ thể.

- Thưa ông, được biết tình trạng cán bộ nhũng nhiễu hách dịch nhân dân hiện vẫn còn diễn ra. Hà Nội sẽ làm gì để nhận diện rõ ràng và đích danh người sai phạm?

- Ông Nguyễn Thế Thảo: Công tác cải cách hành chính tuy đã luôn được tập trung chỉ đạo triển khai, nhưng tới đây thành phố sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ như đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thí điểm chính quyền điện tử tại 5 quận, huyện; rà soát, bãi bỏ, bổ sung thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện thủ tục hành chính...

Thời gian qua, những vấn đề trên chưa thực sự chuyển biến mạnh mẽ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2013 - “Năm kỷ cương hành chính,” Hà Nội sẽ tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đặc biệt là tình trạng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà.

Cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, kiện toàn và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một của, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân; tăng cường phân cấp trong quản lý đô thị và kinh tế-xã hội, phân cấp theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ trách nhiệm; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Hà Nội kiên quyết xử lý đúng người đúng tội, không để tình trạng sai phạm diễn ra chung chung, không ai chịu trách nhiệm.

Nhân dịp Năm mới, tôi xin kính chúc toàn thể cán bộ, quân và dân Thủ đô gặt hái nhiều thắng lợi mới, hạnh phúc và thành công.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!