Tăng trưởng quý III vượt dự báo, tiếp đà cho GDP cả năm bứt tốc

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GDP quý III/2022 ước tăng 13,67% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể mức 10 - 11% được các chuyên gia dự báo trước đó…

GDP 9 tháng cao nhất 11 năm, lạm phát thấp

Thông tin tại họp báo công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, mức tăng mạnh của quý III giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%.

“Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả” - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 9 tháng đạt 10,57%. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng, tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 41,7%...

Ngoài ra theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 9 tháng đầu năm ước đạt 558,52 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD. Như vậy 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).

“Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tuy vậy, kinh tế nước ta khởi sắc ở hầu hết lĩnh vực” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Một thành công nữa là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

GDP cả năm có thể vượt kế hoạch

Dù mức tăng trưởng cao của quý III/2022 được dự báo từ trước, song con số tăng trưởng 13,67% vẫn cao hơn so với kỳ vọng 10 - 11% được các chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế đưa ra trước đó. Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III đạt 10,8%; VinaCapital cho rằng, tăng trưởng GDP quý III tăng cao (vượt 10%)… Còn một số chuyên gia tổ chức trong nước dự báo tăng trưởng kinh tế quý III/2022 có thể lên 11%.

Theo cơ quan thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước, do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó vào năm 2021, GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%.

Gần đây, các tổ chức quốc tế đều cập nhật dự báo tăng trưởng Việt Nam cả năm 2022 đều ở mức cao so với mục tiêu đề ra trong khoảng từ 6,7 - 7,5%, trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh mẽ cùng với hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Theo kịch bản của Bộ KH&ĐT, dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng phấn đấu đạt mục tiêu GDP cả năm vượt 7%, cao hơn khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6 - 6,5%). Để đạt được mức tăng trưởng này, quý III phải đạt mức tăng trưởng 9% và quý IV là 6,3%. Tuy nhiên, đến nay GDP quý III đã tăng đến 13,67%.

Để duy trì với tốc độ mong muốn, Tổng Cục Thống kê kiến nghị triển khai nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 - 2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022 và đầu năm 2023. Chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, vừa bảo đảm linh hoạt để vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì mặt bằng lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục duy trì các động lực tăng trưởng, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số…; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

 

Số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng năm 2022 đạt 163,3 nghìn, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là trên 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV với 82,6%, DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III.

Tổng Cục Thống kê

Đọc tiếp