Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng tín dụng kỷ lục, 88% nguồn dành cho sản xuất

Huyền Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 diễn ra tại Hà Nội chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tình hình kinh tế-xã hội nước ta tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Chính phủ đánh giá cao dấu hiệu tích cực việc Tín dụng của ngành Ngân hàng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%. Tuy nhiên, thông tin chính thức từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực tế tăng trưởng tín dụng của 4 tháng đầu năm 2017 đã đạt con số gần 5%.
Tăng trưởng tín dụng của 4 tháng đầu năm 2017 đã đạt con số gần 5%. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Theo cam kết với Quốc hội và Chính phủ từ khi xây dựng kế hoạch năm 2017 cho toàn ngành NH mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành năm 2017 là 18%. Theo bà Hồng, năm 2017, Quốc hội đề ra mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 4%. Nhận định năm nay nền kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới tác động tới kinh tế trong nước.
NHNN sẽ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng. Mục tiêu tín dụng tăng 18%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18%; phấn đấu ổn định lãi suất và đặc biệt nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Như vậy, việc tăng trưởng tín dụng từ đầu năm của ngành NH cho thấy các chỉ tiêu về tăng trưởng của ngành sẽ đạt thậm chí vượt chỉ tiêu 18% mà NHNN đã đề ra, bởi theo quy luật thì các NHTM sẽ có mức tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm.

Ngay sau các thông tin tích cực từ họp báo Chính phủ, NHNN đã khẳng định: Mặc dù tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm qua nhưng các tổ chức tín dụng luôn chú trọng kiểm soát rủi ro hoạt động tín dụng, quản lý thanh khoản, cân đối vốn hợp lý. Các NHTM sau tái cơ cấu sáp nhập được NHNN theo dõi chặt để tháo gỡ khó khăn kịp thời. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 3%. NHNN cũng tích cực cải tiến các tiêu chí trong cách thức đánh giá xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là về khung pháp lý để tạo tiền đề cho sự thành công của đề án tái cơ cấu xử lý nợ xấu 2016 - 2020. Tín dụng tăng trưởng cao là tín hiệu tích cực của ngành NH, điều này cho thấy hệ thống NH đã hồi phục, nền kinh tế đã hấp thụ vốn.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, khi vốn tín dụng mở rộng đầu tư, tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. “Vấn đề nợ vẫn được kiểm soát và đang có dấu hiệu giảm và chất lượng tín dụng thường xuyên được quán triệt nhiều, đặc biệt với đối tượng tín dụng đưa vào. Vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tập trung đưa vào lĩnh vực sản xuất nên có 88% tín dụng tập trung cho sản xuất. Con số về tín dụng trong nông nghiệp công nghệ cao là một ví dụ, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã cho vay 26.000 tỷ đồng”, ông Tú nói.

Về công tác thanh tra, thực hiện chỉ đạo của NHNN, Thanh tra NHNN đã hạn chế tối đa tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, đồng thời khuyến khích đưa tín dụng vào sản xuất, mở rộng sản xuất giúp chất lượng tín dụng tốt lên, hạn chế rủi ro, từ đó giảm nợ xấu và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP. Với tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện nay là gần 5%. Đây là mức tăng tích cực nhất trong 6 năm qua.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thêm, thông thường tín dụng hay tăng vào cuối năm, có năm chỉ tăng 2 - 3% trong mấy tháng đầu năm. "Nhưng năm nay nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất, cho nền kinh tế ngay từ đầu năm là hết sức tích cực giúp cho tăng trưởng tín dụng ấn tượng", ông Tú nhấn mạnh.

Theo đại diện NHNN, khi tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng cũng phải tăng cường huy động vốn thì mới bảo đảm nguồn vốn cân đối. Tuy nhiên, với khả năng huy động hiện nay của các ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng cũng đảm bảo cân đối nguồn tiền. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, tương xứng nên thanh khoản của các ngân hàng vẫn đảm bảo. Vì vậy, ngành NH vẫn kiểm soát được toàn bộ các chỉ tiêu vĩ mô.

Tăng trưởng tín dụng và kiểm soát lạm phát luôn là vấn đề song hành. Chính vì thế, NHNN xác định ưu tiên đặc biệt việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Cụ thể, những tháng tiếp theo, NHNN sẽ tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là chú trọng ưu tiên giải ngân gói tín dụng 100.000 tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời kiểm soát việc cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.