Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu mới
Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi đã qua 3 lần chỉnh sửa và góp ý kiến. Dự kiến, trong kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi này. Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án BLLĐ sửa đổi cho biết, về cơ bản Ủy ban thống nhất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu để đáp ứng yêu cầu già hóa dân số cũng như đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28/NĐ-TW về cải cách chính sách BHXH.
Hiện nay, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đang nghiên cứu 2 phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó chọn 1 phương án hài hòa và hợp lý nhất.
Phương án 1 theo như đề xuất do Chính phủ trình: Tuổi nghỉ hưu tăng từ năm 2021, mỗi năm nam tăng 3 tháng, nữ 4 tháng tới khi tuổi nghỉ hưu của nam đủ 62, nữ đủ 60. Phương án 2, Quốc hội sẽ chỉ quy định nguyên tắc về tuổi nghỉ hưu; Chính phủ cụ thể hóa bằng cách đặt ra lộ trình cho các nhóm lao động khác nhau. Theo ông Lợi, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng đối tượng lao động.
Có thể, khu vực công chức, viên chức, từ năm 2021, nam tăng 3 tháng/năm, nữ tăng 4 tháng/năm. Khu vực sản xuất kinh doanh, tuổi nghỉ hưu của NLĐ có thể chậm hơn, 1 hoặc 2 tháng/năm. Nhiều chuyên gia lao động đồng tình với phương án 2 bởi đây là giải pháp lâu dài 5 – 10 năm nữa khi kinh tế phát triển, sức khỏe của người dân được tăng lên. Trong khi số NLĐ giảm đi thì tăng tuổi nghỉ hưu càng hợp lý.
Từ quan điểm này, PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị: Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, tính từ năm 2021. Cụ thể, đối với công chức, viên chức, nam tăng 3 tháng/năm, nữ tăng 4 tháng/năm. Lao động ở khu vực sản xuất, kinh doanh tăng chậm hơn có thể 1 năm tăng 1 tháng với nam, 2 hoặc 3 tháng với nữ. Sở dĩ nên mức tăng chậm để NLĐ ở khu vực có quan hệ lao động không bị sốc.
Không có chuyện ở lại "giữ ghế"
Cùng với đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cho công chức, viên chức 3 - 4 tháng/năm đối với nam và nữ, nhiều ý kiến đề nghị đưa quy định này vào Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, đây là vấn đề mới cần có sự nghiên cứu và đánh giá tác động. “Cũng có thể BLLĐ chỉ quy định tuổi nghỉ hưu của lao động sản xuất còn công chức, viên chức được thể hiện rõ trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Tuy nhiên, viên chức ở một số nghề cũng không thể kéo dài tuổi làm việc như công chức, vì tính chất lao động khá nặng nhọc như giáo viên, y tá, hộ lý...” – ông Nguyễn Hữu Dũng lưu ý. Nếu BLLĐ chỉ quy định tuổi nghỉ hưu cho lao động sản xuất, phải tách ra: Lao động quản lý và chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ có thể kéo dài hơn tuổi làm việc so với NLĐ trực tiếp sản xuất.
Trước những ý kiến băn khoăn về việc những người có trình độ cao làm quản lý được nghỉ hưu muộn hơn sẽ "chiếm ghế" của lao động trẻ, Trưởng ban soạn thảo BLLĐ sửa đổi Đào Ngọc Dung phản hồi: Các nhà khoa học, GS, TS, bác sĩ cần được kéo dài tuổi làm việc để tận dụng chất xám, tài năng.
Tuy nhiên, phải hội tụ đủ 3 điều kiện: Cơ quan, DN ấy có muốn những người này ở lại; bản thân họ phải có sức khỏe, đủ tiêu chuẩn để đảm bảo làm việc tốt; NLĐ này phải có nhu cầu. Cùng với đó là nguyên tắc: Chỉ được làm chuyên môn, không giữ chức danh quản lý. Như vậy, sẽ không có chuyện kéo dài tuổi nghỉ hưu để "giữ ghế".
Về lao động các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, qua khảo sát NLĐ cho thấy đa số đều muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. “Lao động dưới xưởng, nhất là làm việc trong các ngành độc hại, khi quá tuổi 35 đều không đảm bảo năng suất lao động. Vì thế, nên nâng tuổi nghỉ hưu đối với khối hành chính sự nghiệp, còn lao động trực tiếp sản xuất không nên tăng” – bà Đào Thị Thu Huyền – đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản đề nghị.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, NLĐ ở ngành nghề thuộc 1.748 lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại được điều chỉnh tăng tuổi làm việc chậm hơn và tuổi nghỉ hưu thấp hơn. Trong quá trình thiết kế chính sách sẽ cụ thể hóa tới từng danh mục, công việc, vị trí để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.
"Tuổi nghỉ hưu là quyền của NLĐ, phải được điều chỉnh bằng luật. Vì thế Quốc hội không nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể tuổi làm việc của NLĐ đối với từng ngành nghề." - TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động xã hội, Bộ LĐTB&XH |