Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tuổi nghỉ hưu để cuộc sống về già tốt hơn!

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên về tuổi nghỉ hưu, chiều 5/5, ông Nuno Meira Simoes Cunha - chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế nhấn mạnh: kéo dài tuổi làm việc sẽ giúp người lao động (NLĐ) nhận mức lương hưu cao hơn để cuộc sống khi về già tốt hơn.

 Ông Nuno Meira Simoes Cunha - chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế 
Thưa ông, tuổi nghỉ hưu chung của các nước đang theo xu hướng tăng hay giảm?

Tuổi nghỉ hưu đang tăng lên ở tất cả mọi nơi trên thế giới. NLĐ nghỉ hưu ở tuổi 60 - giống như thời gian làm việc của nam giới Việt Nam khá phổ biến tại nhiều quốc gia. Và, ngày càng có nhiều nước tăng tuổi nghỉ hưu, vì tuổi thọ cao hơn và sức khỏe cũng tốt hơn. Đơn cử như Nhật Bản hay các nước châu Âu và cả những nước láng giềng với Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, mọi người đang quan tâm rất nhiều về việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ông có lý giải gì về điều này?

Thứ nhất, Việt Nam không có tỉ lệ thất nghiệp cao. Trong điều kiện tốc độ già hóa cao thì nền kinh tế cần nhiều nhân lực hơn. Do vậy lực lượng lao động cần có quy mô lớn hơn để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một cách để có được điều đó. Trung Quốc đang cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng bởi điều này.
Thứ hai, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp cho NLĐ khi nghỉ làm việc sẽ có một mức an sinh xã hội (ASXH) nhất định vì ba lý do. Đó là sự bền vững của quỹ hưu trí. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép NLĐ có thêm thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Điều này đồng nghĩa với họ có thể nhận được lương hưu cao hơn giúp cho cuộc sống khi về già tốt hơn. Tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng lên đáng kể, đến nay trung bình là 76 và sẽ tiếp tục tăng lên nữa. Nếu mọi người không muốn nhận lương hưu thấp đi thì phải làm việc lâu hơn.

Nhưng hiện nay nhiều người băn khoăn việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, người cao tuổi sẽ chiếm chỗ của lao động trẻ?

Nếu bạn cố gắng giải quyết các vấn đề thị trường lao động bằng cách cho phép mọi người nghỉ hưu sớm thì chắc chắn bạn sẽ phải trả tiền cho điều đó. Và, bạn cũng không thể chắc chắn khi người già nghỉ hưu thì những NLĐ khác sẽ có thể thay thế được họ. Có nhiều khả năng xảy ra tình trạng khi người ta có thu nhập cao hơn, xu thế chi tiêu nhiều hơn. Con cái của những người này cũng có thể chi tiêu nhiều hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Nếu đất nước của bạn gặp vấn đề thanh niên thất nghiệp, theo tôi trước hết cần giải quyết bằng các chương trình giáo dục và trang bị kỹ năng cho họ. Các bạn đừng cố giải quyết nó bằng hệ thống hưu trí vì cách đó quá gián tiếp và tốn rất nhiều tiền.

Tuy rằng tuổi thọ của người Việt Nam tăng, nhưng trung bình mỗi người có đến hơn 10 năm sống trong bệnh tật. Ông nghĩ gì về việc này?

Những năm cuối cuộc đời, bạn thường chi tiêu nhiều nhất cho các nhu cầu sức khoẻ vì hay gặp các vấn đề về nó. Trong những năm gần đây, mọi người thường có vấn đề về sức khỏe hơn các thập kỷ trước. Nhưng điều đó không có nghĩa, tuổi thọ tăng lên, bạn sẽ có thời gian đau ốm dài hơn. Không chỉ sống lâu hơn mà khả năng xảy ra bệnh tật cũng chậm hơn. Tuổi thọ cao hơn cũng đồng nghĩa với bạn có một cuộc sống khỏe mạnh lâu hơn…

Các quốc gia khác đã làm gì để tránh những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế từ việc tăng tuổi nghỉ hưu?
Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ bằng chứng nào cho giả định rằng tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng thì sẽ càng có những tác động xấu đến nền kinh tế. Tôi cũng không tin NLĐ cao tuổi hơn sẽ có năng suất lao động thấp hơn. Bạn có thể chuyển họ sang các vị trí khác nhau nhưng hãy nhìn theo hướng: Làm thế nào để những người trẻ tuổi được đào tạo nếu không có những người có kinh nghiệm chia sẻ? Bạn nên chuyển những NLĐ lớn tuổi đến những nơi họ có thể chia sẻ kiến thức của mình, để mang lại lợi ích cho người khác.

Xin cảm ơn ông!