Tăng tuổi nghỉ hưu: Không thể có chuyện “tham quyền cố vị”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Luật Lao động (BLLĐ) (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thông qua, có điểm mới nâng tuổi nghỉ hưu sẽ đóng góp vào tăng GDP, đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động (NLĐ.

Điều 169 BLLĐ (sửa đổi) quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu 60 đối với nữ và 62 với nam thực chất không phải mới. Điều 187, BLLĐ hiện hành cho phép giảm thời gian làm việc đối với những người làm trong ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Và cho phép nâng thời gian làm thêm đối với những người có trình độ chuyên môn quản lý, có năng lực nếu chủ sử dụng có nhu cầu và NLĐ mong muốn làm việc.
“Lần này, chúng ta thể chế ở một bước nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và nam 62, được quy định tại Điều 169. Nhưng phải hiểu rất rõ bản chất của Điều 169, quy định tuổi nghỉ hưu của nữ 60 và nam 62 là nâng cho những NLĐ làm việc trong điều kiện hết sức bình thường, không suy giảm khả năng lao động, không phải ngành nghề nặng nhọc độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Với những NLĐ làm việc ở vùng sâu, xa, kinh tế khó khăn và lao động làm việc trong ngành có khả năng suy giảm lao động nhanh (từ 61 – 81%), được giảm 5 năm và được giảm tiếp với các ngành nghề mà pháp luật khác quy định.
 Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân (áo trắng, đứng giữa) tham dự phiên giao dịch việc làm tổ chức ở huyện Thạch Thất. Ảnh: Thủy Trúc
Một điểm hết sức quan trọng là BLLĐ cho phép nâng tuổi làm việc lên 5 năm đối với những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực quản lý để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế, ông Sỹ Lợi khuyên NLĐ không phải băn khoăn với quy định nâng tuổi nghỉ hưu. 
Hơn nữa, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam 62 được thực hiện rất chậm dần đều; từ năm 2021, mỗi năm nam tăng 3 tháng, nữ tăng 4 tháng; đến năm 2028 mới có nam giới làm việc trong điều kiện bình thường nghỉ hưu ở tuổi 60 và đến năm 2035 mới có phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Điều này tạo ra thị trường lao động ổn định, không gây sốc.
Với việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 với nữ, 62 với nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng khẳng định sẽ có tác động tích cực tới thị trường lao động, hạn chế nguy cơ vỡ quỹ BHXH. Việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình một mặt vừa đảm bảo an sinh, một mặt lại đảm bảo quỹ tài chính cho quỹ BHXH.
Phó Chủ nhiệm Ủy bân về các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Tăng tuổi nghỉ hưu không thể có chuyện "tham quyền, cố vị". Ảnh: Thủy Trúc
Cùng trao đổi về chủ đề này, TS Nguyễn Hữu Dũng – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, khi nâng tuổi nghỉ hưu, đồng nghĩa tăng số lượng lớn NLĐ, sẽ đóng góp không nhỏ vào tăng GDP. Đồng thời phát huy được lợi thế của cơ cấu dân số vàng và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của NLĐ về việc làm, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, tiền lương, tham gia  BHXH, thu hẹp dần khoảng cách về giới.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc tăng tuổi nghỉ hưu dẫn đến “tham quyền cố vị” nhất là với những người nắm giữ chức vụ quản lý lãnh đạo, ông Bùi Sỹ Lợi phản hồi: Hiện nay, việc tuyển người vào làm dựa trên thi tuyển và căn cứ vào năng lực trình độ. Các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng là để trang bị kiến thức, kỹ năng cho NLĐ. Khi đã có kiến thức, kỹ năng, NLĐ không chỉ vào cơ quan nhà nước, DN mà còn có thể tự tạo việc làm cho mình.
Vì thế, ông Bùi Sỹ Lợi khuyên mọi người không nên nghĩ theo cơ chế bao cấp là học xong tốt nghiệp được bố trí vào cơ quan nhà nước, DN. Hiện nay không còn cơ chế đó. Sắp tới, Luật Viên chức ra đời sẽ thực hiện hợp đồng lao động. Hơn nữa, hàng năm các cơ quan đều xem xét, đánh giá năng lực cán bộ, nếu không đáp ứng sẽ thay. Điều quan trọng là tổ chức triển khai thực hiện chứ không phải luật này ra đời làm cản trở sự phát triển.