Ngành ô tô không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp, mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%.
Số liệu của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 377 DN ô tô, trong đó có 169 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô. Các DN công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô tại Việt Nam cũng mới chỉ có khoảng 300 DN.
Theo đại diện Cục Công nghiệp, các DN tại Việt Nam mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh.
Thực tế, lượng xe nhập khẩu vẫn tăng liên tục trong những năm qua, gây áp lực với xe sản xuất nội địa. Trong khi đó, 70% số DN sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam lại dựa vào nguồn linh kiện nhập. Hiện tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Vì vậy, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được nhận định vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành ô tô, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho rằng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và DN để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong thời gian tới. Bộ cũng khuyến khích các DN sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa trong đó điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí, tài chính theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các DN gia tăng nội địa hóa…