Tạo bứt phá trong công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị tổng kết công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Giải quyết TTHC trước và đúng hạn 99,74%, đơn giản hóa gần 30% TTHC

Đánh giá của UBND TP Hà Nội cho thấy, năm 2023, Thành phố đã chủ động triển khai công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa liên thông kịp thời theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Đối với rà soát, đơn giản hóa TTHC, Văn phòng UBND Thành phố đã chủ trì phối hợp các Sở, ngành tập trung rà soát 706 thủ tục hành chính tại các lĩnh vực: Tư pháp, nội vụ, quy hoạch - kiến trúc, công thương, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, du lịch, lao động, thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, văn hóa và thể thao… Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, đã tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố 15 Quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa 211/706 thủ tục hành chính (đạt 29,8%).

Việc rà soát, việc đơn giản hóa đã giúp cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC.

Năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận TTHC toàn Thành phố là trên 4 triệu hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt tỷ lệ 99,74%; số hồ sơ giải quyết quá hạn có tỷ lệ 0,26%. Đây là tỷ lệ cao trong giải quyết TTHC đúng hạn, trước hạn của TP Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, UBND Thành phố đã ban hành 13 Quyết định phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 445 TTHC được lựa chọn xây dựng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến nay, đã tích hợp 727 dịch vụ công trực tuyến một phần, 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện (đạt 74,2%). Đang tích hợp, kiểm thử 214 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Thành phố đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến: 318 dịch vụ công toàn trình, trên 1.550 dịch vụ công một phần.

Từ ngày 02/01/2024, bộ phận Một cửa toàn thành phố tập trung số hóa hồ sơ TTHC đến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Đến nay, các các tính năng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố đáp ứng yêu cầu kết nối Hệ thống quản lý văn bản Thành phố, cấp kết quả giải quyết TTHC bản điện tử. Tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa là 213.883 hồ sơ (đạt 15,51%).

Trong việc rà soát, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền, phạm vi giải quyết của UBND, Chủ tịch UBND TP, đến nay đã ban hành 24 Quyết định, công bố 124 TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. Chủ tịch UBND TP đã phê duyệt đơn giản hóa 28/124 TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND TP (đạt 22,6%).

Còn đối với TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền, phạm vi giải quyết của Sở, ngành; cấp huyện, cấp xã,toàn thành phố đã ban hành theo thẩm quyền 5.237 quy trình. Cụ thể, các sở, ban, ngành đã phê duyệt 468 quy trình giải quyết công việc nội bộ; cấp huyện ban hành 1.797 quy trình giải quyết công việc nội bộ; cấp xã ban hành 2.962 quy trình giải quyết công việc nội bộ…

Nhiều sáng kiến sáng tạo trong cải cách TTHC

Cũng theo UBND TP Hà Nội, Thành phố luôn chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách TTHC nhằm tìm kiếm những sáng kiến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức

Tiêu biểu như UBND huyện Hoài Đức đang triển khai áp dụng một số mô hình, sáng kiến có tính ứng dụng cao như: Thông báo cho tổ chức, cá nhân về kết quả hết thời hạn sử dụng một số Giấy chứng nhận, Giấy phép đã được cấp (kết quả đã nhắc hẹn 1.355 trường hợp đến hạn thực hiện TTHC tiếp theo trong lĩnh vực Đăng ký kinh doanh; giúp công dân kịp thời hoàn thiện hồ sơ, tránh tình trạng phải nộp phạt do hết hạn giấy phép, giấy chứng nhận). Huyện cũng trả kết quả giải quyết TTHC ngoài giờ theo lịch hẹn trước qua trang zalo Chính quyền điện tử hoặc quét mã QR vào thứ 5 hàng tuần; quét mã QR trong tra cứu TTHC, khảo sát hài lòng của người dân, tổ cức.

UBND huyện Chương Mỹ tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình sáng kiến, giải pháp trong công tác cải cách hành chính gồm: “Một hồ sơ - Hai hết quả” và “Các thủ tục hành chính không chờ” tại thị trấn Chúc Sơn, “Hồ sơ không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân tại thị trấn Xuân Mai, “trang bị máy tính bảng cho công dân đến bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính hoặc nhập phần mềm dịch vụ công trực tuyến ở bộ phận một cửa” tại xã Hoàng Diệu, “Dịch vụ công trực tuyến, vì nhân dân phục vụ” tại xã Thanh Bình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trao khen thưởng cho các đơn vị có thành tích trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trao khen thưởng cho các đơn vị có thành tích trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện hiệu quả mô hình sáng kiến cải cách TTHC: Sử dụng biên lai điện tử thu phí, lệ phí đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa của Sở Tài nguyên và môi trường. Triển khai thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính không sử dụng tiền mặt tại Sở, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội và các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện, thị xã từ ngày 10/11/2023; từ đầu tháng 11 đến nay đã thực hiện thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt hơn 7 tỷ đồng.

Các đơn vị trên địa bàn đã có những biện pháp, cách thức sáng tạo như đã thành lập các “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” trên địa bàn thành phố; các mô hình “Ngày thứ Sáu xanh”, “Ngày thứ Ba không viết”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24” tại các nhà văn hóa thôn, các video clip do công chức cấp xã tự xây dựng để hướng dẫn công dân thực hiện TTHC. Đoàn Thanh niên thực hiện các Chiến dịch ra quân hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt ứng dụng VNeID và thực hiện các DVC trực tuyến; hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công/dịch vụ công trực tuyến tại các điểm phục vụ của Bưu điện.

Hà Nội sẽ có Dashboard hiển thị theo thời gian thực kết quả xử lý thủ tục hành chính

Hà Nội sẽ có Dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) hiển thị theo thời gian thực kết quả chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp các TTHC với 11 trường thông tin hữu ích.

Phó Chánh văn phòng UBND TP Cù Ngọc Trang đã thông tin những nội dung quan trọng Kế hoạch triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2024 của UBND TP Hà Nội với 32 nhóm nhiệm vụ và 17 chỉ tiêu cụ thể.

Trong đó, UBND TP yêu cầu: Cập nhật 100% dữ liệu quy định kinh doanh trên Cổng Tham vấn và Tra cứu quy định kinh doanh; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%; Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt tối thiểu 55%; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC tối thiểu đạt 60%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC phấn đấu đạt 100%; Tỷ lệ thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại UBND cấp xã và Phòng Tư pháp cấp huyện đạt 100%;

Tỷ lệ xử lý phản ánh, kiến nghị đúng hạn đạt 100%; Mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp tối thiểu đạt 90%;

UBND TP cũng yêu cầu 100% người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được hỗ trợ, tiếp nhận và giải quyết TTHC tại nhà. “Năm nay UBND TP yêu cầu mỗi đơn vị phải có một sáng kiến, cải tiến, cách làm hay” - Phó Chánh Văn phòng Cù Ngọc Trang nói.

Đặc biệt, tại hội nghị, UBND TP cũng đã giới thiệu Dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) hiển thị kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành của thành phố và việc thực hiện xử lý công việc toàn trình công việc trên môi trường điện tử của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Bảng điều khiển kỹ thuật số chỉ đạo điều hành sẽ được tích hợp trên ứng dụng “Công dân Thủ đô số” sẽ được thành phố triển khai trong năm 2024. Từ tháng 2, UBND TP sẽ công bố công khai chỉ số chỉ đạo điều hành các sở, ngành quận huyện.

Dựa trên kết quả hiển thị trên dashboard, doanh nghiệp, người dân và lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt và quản lý một cách tổng quan những dữ liệu quan trọng phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, chấm điểm cán bộ, công chức...

Dịch vụ công trực tuyến phải đi vào thực chất

Tại hội nghị sau khi nghe các tham luận, ông Ngô Hải Phan, Cục Trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ đánh giá Hà Nội đã hoàn thành giai đoạn “tăng tốc” trong cải cách thủ tục hành chính. Những nhiệm vụ trọng năm năm 2024 chính là phần việc để bứt phá.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Ấn tượng với những kết quả mà Thủ đô đạt được, bênh cạnh việc tiếp tục cắt giảm các thủ tục, quy trình, đổi mới Cục Trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ lưu ý: “Làm tốt công tác công khai minh bạch đã quyết định 60% thành công của công tác kiểm soát TTHC”.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh thủ tục hành chính phải: nhanh, thuận lợi, người dân phải phấn khởi. Sau hội nghị, toàn thành phố sẽ triển khai 7 nhiệm vụ lớn để kiểm soát thủ tục hành chính.

Nhấn mạnh vai trò của người đứng đâu trong công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đặc biệt nhắc nhở những phần việc trọng tâm để bứt phá trong năm 2024 như: tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đảm bảo điều kiện để thực hiện (con người, điều kiện vật chất, kinh phí); các địa phương phải dựa trên đặc thù để có cách làm phù hợp, hiệu quả...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đặt câu hỏi: “Dịch vụ công trực tuyến quan trọng là người dân có dùng không, có thuận tiện không, cán bộ có mất thêm thời gian không?” và yêu cầu phải đi vào thực chất. Cụ thể, các đơn vị cần tái cấu trúc giai đoạn 2 các thủ tục hành chính để đơn giản, dễ làm nhất, người dân làm được.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng nêu rõ việc đảm bảo trang thiết bị; máy tính phải có, mạng phải tốt; chú trọng tập huấn cán bộ, công chức; áp dụng mô hình một cửa hiện đại tùy theo đặc thù địa phương...