Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cầu nối tiêu thụ nông sản huyện Mê Linh

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/10, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Diễn đàn là cơ hội để các hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX) kết nối với đơn vị, doanh nghiệp (DN) đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.

Diễn đàn thu hút đông đảo nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà quản lý tham gia. Ảnh: Phạm Hùng
Diễn đàn thu hút đông đảo nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà quản lý tham gia. Ảnh: Phạm Hùng

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết: diễn đàn được tổ chức không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân, chủ trang trại HTX trên địa bàn huyện Mê Linh, mà còn là dịp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của Mê Linh tới các DN, đơn vị phân phối, tiêu thụ nông sản trong cả nước.

Qua đó, trao đổi, tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành và các địa phương trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản; cung cấp thông tin, khuyến khích mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP của Mê Linh được trưng bày trong khuôn khổ diễn đàn. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP của Mê Linh được trưng bày trong khuôn khổ diễn đàn. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh, toàn huyện Mê Linh hiện có gần 8.100ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 4.300ha lúa, còn lại là rau màu, hoa, cây ăn quả. Sản phẩm nông nghiệp của Mê Linh rất đa dạng về chủng loại; thế mạnh là 700ha rau (rau su hào trái vụ, rau gia vị, rau ăn lá, củ cải...); 800ha hoa, 300ha chuối.  Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc thương lái thu mua gom tại các chợ xung quanh địa bàn. 

Với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm quả an toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Việt Doanh Đào Việt Dũng cho hay: HTX đang canh tác hơn 54ha diện tích cây ăn quả (ổi, bưởi, thanh long...) đều được sản xuất theo quy trình VietGAP. Các sản phẩm quả của HTX đã có nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên vấn đề đầu ra không còn là nỗi lo. Đặc biệt, trái ổi của HTX đã có giá trị kinh tế rất cao, mỗi ngày cung cấp ra thị trường trung bình hơn 1 tấn ổi, thu về 20 triệu đồng. 

"Tuy nhiên, về lâu dài, để duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, HTX mong muốn được liên kết cùng đơn vị, DN mở rộng quy mô sản xuất cũng như sản lượng tiêu thụ." - ông Đào Việt Dũng bày tỏ.

Trăn trở việc tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm rau, củ, quả, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua chia sẻ: vùng canh tác rau, củ, quả rộng hơn 200ha của HTX là một trong những vựa rau màu lớn nhất của Hà Nội. Không chỉ cung ứng sản lượng lớn rau, củ, quả cho người dân Thủ đô, chất lượng nông sản cũng từng bước được nâng lên. 

Thu hoạch rau tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh).
Thu hoạch rau tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh).

Đến nay, HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao đã có 18 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của TP Hà Nội cấp sao. Trong đó, củ cải trắng được cấp chứng nhận 4 sao OCOP, còn lại là các sản phẩm 3 sao.  Dù chủng loại rau, củ, quả tương đối đa dạng, tuy nhiên, giá trị kinh tế từ sản phẩm OCOP của HTX chưa tương xứng. Nguyên nhân là rau, củ, quả của HTX chủ yếu xuất bán thô, chưa có sản phẩm qua chế biến sâu; một số chuỗi liên kết chưa thực sự ổn định, bền vững…

Với lượng rau, củ, quả khoảng 40.000 tấn mỗi năm, HTX mong muốn được kết nối với các tổ chức, DN đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận nhằm hạn chế tối đa câu chuyện "được mùa mất giá", hoặc bị tư thương ép giá.

Để khâu tiêu thụ không còn là nỗi lo 

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị trên địa bàn TP còn khá thấp, chỉ chiếm hơn 10%. Đáng nói, một phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với các tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Thậm chí, nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh… Đây là những nguyên nhân khiến nông sản vẫn bí đầu ra trong thời gian qua.

Các hợp tác xã của huyện Mê Linh và doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng 
Các hợp tác xã của huyện Mê Linh và doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng 

Tại diễn đàn, các DN, nhà quản lý đã khuyến nghị nhiều giải pháp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, giúp nông dân tăng thu nhập, cũng như để các đơn vị, DN yên tâm, tin tưởng với chất lượng của nông sản Mê Linh.

Giám đốc Công ty CP thực phẩm an toàn Tâm Thành Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng: nông sản để vào được siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch hay tiếp cận khách hàng yêu cầu cao đòi hỏi gắt gao tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, DN còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất về sản lượng, vùng trồng tiếp đến mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Do đó, nông dân, HTX cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.

Các hợp tác xã của huyện Mê Linh và doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng 
Các hợp tác xã của huyện Mê Linh và doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hùng 

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học Hòa Bình Nguyễn Ngọc Hưng, DN rất muốn bắt tay với nông dân Mê Linh để sản xuất - tiêu thụ lúa theo cánh đồng mẫu lớn, song diện tích phải đảm bảo gọn vùng thiểu 20ha trở lên, canh tác cùng một giống lúa. Do đó, nông dân cần liên kết chặt chẽ hơn bằng việc thành lập HTX, tổ, nhóm sản xuất. Bà con chỉ cần làm tốt khâu canh tác, thu hoạch cho ra hạt thóc tươi đảm bảo chất lượng, việc còn lại là do DN đảm nhận.

Tiếp thu các ý kiến của DN, bà Nguyễn Thị Chinh nhấn mạnh: "Ngay sau diễn đàn hôm nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh sẽ tổ chức hội nghị sâu hơn kết nối người sản xuất với DN. Trung tâm cũng tiến hành đánh giá, tổng hợp quy mô, sản lượng, chất lượng các vùng trồng với các con số cụ thể để gửi tới các DN nghiên cứu, lập kế hoạch trước".

 

Tại diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết biên bản  ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của HTX dịch vụ nông nghiệp Việt Doanh với HTX sản xuất, kinh doanh rau củ an toàn và du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh; HTX dịch vụ nông nghiệp Trung Hà với Công ty CP suất ăn công nghiệp Hà Nội; HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao với Công ty CP thực phẩm an toàn Tâm Thành.