Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Táo cherry loạn giá, mập mờ nguồn gốc

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Táo cherry, một loại quả đang gây sốt trên thị trường, được quảng cáo nhập khẩu từ Hàn Quốc và Australia, nhưng lại có giá siêu rẻ, khiến nhiều người lo lắng về chất lượng thực của sản phẩm.

Táo cherry có vỏ đỏ, bắt mắt giống quả cherry.
Táo cherry có vỏ đỏ, bắt mắt giống quả cherry.

Một tháng trở lại đây, táo cherry trở nên phổ biến tại thị trường trái cây Việt Nam với lời quảng cáo về hương vị, công dụng và đặc biệt là được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Loại quả này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với táo bình thường, đường kính từ 3-5cm. Sở dĩ có tên gọi táo cherry vì quả có cuống dài, vỏ màu đỏ giống như quả cherry.

Loại quả này đang được nhiều người tìm mua bởi tên gọi, hình dáng, màu sắc bắt mắt và sự tò mò về hương vị của sản phẩm.

Theo quảng cáo của người bán, táo cherry này được nhập khẩu trực tiếp từ Australia, Hàn Quốc đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, chính hãng nên giá cả đắt đỏ hơn các loại táo khác.

Những năm trước đây, táo cherry chỉ được bán lẻ tại một vài cửa hàng hoa quả nhập khẩu, với giá khá cao, nhưng năm nay loại quả này đang được bày bán tràn lan trên khắp các chợ truyền thống, gánh hàng rong, cho tới "chợ mạng".

Điều đáng nói, cùng một loại quả, nhưng có nơi bán lên hàng trăm ngàn đồng/kg, nhưng cũng có nơi chỉ bán vài chục ngàn đồng, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang về chất lượng, xuất xứ thực sự của sản phẩm.

Táo cherry đang được bán tràn lan trên thị trường, với giá chỉ từ vài chục ngàn đồng/kg.
Táo cherry đang được bán tràn lan trên thị trường, với giá chỉ từ vài chục ngàn đồng/kg.

Cụ thể, trên các trang mạng xã hội, các tiểu thương online đang rao bán lẻ táo cherry theo hộp một kg, mỗi hộp khoảng 10 đến 12 quả có giá dao động từ 55.000 – 90.000 đồng/kg. Một số người lại rao bán theo rành, mỗi rành nặng 4kg, có giá chỉ 160.000 đồng.

Còn tại các sạp hoa quả tại chợ truyền thống, hay các xe bán hàng rong, táo cherry cũng được bày bán nhiều, với giá từ 60.000 – 120.000 đồng/kg.

Cũng loại quả này trong các cửa hàng hoa quả nhập khẩu lại được bán giá từ 200.000 – 220.000 đồng/kg.

Là một tín đồ mua hàng trên mạng, chị Phạm Thị Nga (Xuân Thủy, Cầu Giấy) vừa đặt mua 2kg táo cherry. Chị Nga cho biết, loại quả này được người bán giới thiệu là nhập khẩu, ăn ngọt, nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe nên chị đặt về ăn thử. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm loại quả mới này, chị Nga đã nhận lại thất vọng. “Táo không ngon như tưởng tượng, vị chua nhiều lấn át hết vị ngọt. Giá cả lại quá đắt so với những gì nhận được” – chị Nga thất vọng nói.

Có nhiều năm kinh nghiệm bán hoa quả nhập khẩu, anh Vũ Văn Xuân – chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu tại Hà Nội cho biết, táo cherry được trồng chủ yếu ở các khu vực có khí hậu ôn đới và một số vùng của châu Á, thường được thu hoạch vào tháng 9, tháng 10. Hiện táo cherry bán ở thị trường Việt Nam được nhập từ nhiều nguồn khác nhau.

Nếu táo nhập từ Hàn Quốc và Australia sẽ có giá dao động từ 180.000 – hơn 200.000 đồng/kg, được dán tem nhãn có chỉ số rõ ràng. Khi mua sản phẩm, khách hàng có thể quét mã để biết được thông tin về sản phẩm, như nhà cung cấp, nơi nhập khẩu, quy trình trồng, có biến đổi gen không, nhập khẩu từ đâu…  Còn những loại táo cherry có giá chỉ vài chục ngàn đồng/kg thì chủ yếu nhập từ Trung Quốc và hàng không có tem nhãn đầy đủ.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đa phần những mặt hàng trái cây, nông sản được bán trên mạng thường không có nhãn mác, kiểm định rõ ràng. Người tiêu dùng cần có sự tỉnh táo trước những chiêu trò quảng cáo bán hàng và nên lựa chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh uy tín.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023 Việt Nam đã chi gần 2 tỷ USD để nhập khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam. Hàng từ Trung Quốc chiếm 40,5% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của nước ta. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc trao đổi hàng hóa, nông sản giữa sản các nước là cần thiết để gắn kết, mở rộng mối quan hệ. Tuy nhiên, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thương cần được thắt chặt để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tránh tình trạng xuất, nhập khẩu hàng hóa tràn lan, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.