70 năm giải phóng Thủ đô

Tạo chuyển biến mạnh mẽ bảo vệ môi trường sông Nhuệ-Đáy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một đoạn sông Nhuệ chảy qua quận Hà Đông. Ảnh: Quỳnh Anh

Ngày 28/11, Hội nghị lần thứ 6, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã diễn ra tại Hà Nam với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành cùng 5 tỉnh, TP nằm trên lưu vực sông. Hội nghị nhằm đánh giá, đưa ra những giải pháp thiết thực BVMT lưu vực 2 con sông này. 

Nước thải ảnh hưởng đến… Hà Nam

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các tỉnh, TP, các vấn đề môi trường trên lưu vực sông đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các vấn đề môi trường bức xúc trong nội tỉnh và liên vùng, liên tỉnh. Theo ông Vũ Hữu Song - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, đặc biệt là giữa TP Hà Nội và Hà Nam trong việc xử lý nước thải đảm bảo theo quy định trước khi thải ra môi trường và việc xử lý chất thải do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nội tỉnh gây ra. 
 
Một đoạn sông Nhuệ chảy qua quận Hà Đông.      Ảnh: Quỳnh Anh
Kinhtedothi - Một đoạn sông Nhuệ chảy qua quận Hà Đông. Ảnh: Quỳnh Anh
"Cụ thể, trong những năm qua, quy định về thời gian đóng, mở đập Thanh Liệt trên địa bàn Hà Nội chưa hợp lý. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong thời gian mùa mưa nhưng nước thải từ Hà Nội đổ về chưa được pha loãng do trải qua nhiều ngày nắng hạn kéo dài, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản của người dân tỉnh Hà Nam. Vì vậy, tỉnh Hà Nam đề nghị Hà Nội không mở đập Thanh Liệt khi nắng hạn kéo dài từ 3 ngày trở lên để ngăn không cho nước thải ô nhiễm chảy về Hà Nam khi không có nước mưa pha loãng" - ông Vũ Hữu Song kiến nghị. Những khó khăn trong việc triển khai thực hiện đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy với TP Hà Nội, đó là việc giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề. 

"Việc xử lý môi trường làng nghề có liên quan mật thiết đến đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động trong các làng nghề, các cơ chế, chính sách hỗ trợ về lao động, di dời cơ sở gây ô nhiễm trong làng nghề. Bên cạnh đó, mặc dù tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy, tuy nhiên, ý thức chấp hành Luật BVMT của các công ty, DN, người dân chưa nghiêm túc, đặc biệt ở những hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ" - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh chia sẻ.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Đánh giá về việc thực hiện Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ông Mai Tiến Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho biết, trong thời gian qua, UBND 5 tỉnh, TP trên lưu vực sông đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về BVMT. Trong đó, tập trung vào các vấn đề phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước, tăng cường quản lý nước thải, rác thải đô thị, giải quyết các vấn đề bức xúc liên vùng, liên tỉnh, từng bước thể chế hóa các quy định BVMT trong từng lĩnh vực.

Theo báo cáo của Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy, các vấn đề ô nhiễm môi trường ở mỗi địa phương rất đa dạng và phức tạp. Hầu hết các tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, ngoại trừ TP Hà Nội. Để giải quyết dứt điểm cần có lộ trình, nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai công tác thống kê, điều tra nguồn thải lỏng xả thải trực tiếp ra lưu vực sông. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho tổ chức, DN và cộng đồng nói chung và tăng cường mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và đạt được hiệu quả tích cực, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT. Việc phối hợp tổng thể giải quyết các vấn đề môi trường đồng bộ đã được triển khai và có nhiều chuyển biến. 

Các đại biểu cho rằng, năng lực của các cơ quan quản lý về môi trường tại 5 tỉnh, TP trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy tuy đã được tăng cường rất nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về quản lý. Vì vậy, cần tăng cường kết nối thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương, tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên vùng một cách thống nhất và đồng bộ.Cũng tại Hội nghị, theo quy định luân phiên Chủ tịch Ủy ban, ông Mai Tiến Dũng đã bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy nhiệm kỳ 2015 - 2016 cho Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang.

 
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có tổng diện tích 7.665km2, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của 5 tỉnh, TP: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình.