Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cơ chế, chính sách hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/12, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Luật Dầu khí (sửa đổi) - tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư".

Thể chế hóa chủ trương

Phát biểu khai mạc toạ đàm, Phó Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc cho biết, Luật Dầu khí năm 2022 đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, phát triển kinh tế bền vững cũng như phát triển năng lượng quốc gia.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Nguyên Dương
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Nguyên Dương
 

Luật Dầu khí (sửa đổi) đã về đích thành công khi được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 11/2022. Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Mặc dù cần có thêm các điều khoản và hướng dẫn chi tiết hơn nhưng việc thông qua Luật Dầu khí sửa đổi là rất quan trọng, giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Trong khi đó, các ý kiến nhấn mạnh, việc thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) là khung pháp lý tổng quát cho ngành dầu khí; giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động dầu khí. Luật Dầu khí năm 2022 với nhiều chính sách mới, kỳ vọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Việc xây dựng Luật Dầu khí năm 2022 đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng. Bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.

Chiều trên mỏ Bạch Hổ.
Chiều trên mỏ Bạch Hổ.

Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Viện Dầu khí Việt Nam Đoàn Văn Thuần đánh giá, Luật có những chính sách ưu đãi cho hoạt động điều tra cơ bản. Đáng chú ý, điểm mới đối với vai trò nhà đầu tư khi có rủi ro sẽ có cơ chế hoạch toán chi phí thăm dò không thành công vào chi phí sản xuất kinh doanh. Các hình thức hợp đồng dầu khí được bổ sung trong luật mới hy vọng tạo ra bước chuyển biến liên quan đến thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam.

Cụ thể, bên cạnh, hình thức hợp đồng trên sản phẩm truyền thống, Luật Dầu khí sửa đổi đã bổ sung hình thức khác để tăng sự ưu đãi. Nội dung chính sẽ được quy định chi tiết trong nghị định được ban hành sắp tới.

Linh hoạt hơn cho nhà đầu tư

Nêu ra điểm mới của Luật Dầu khí (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, Luật Dầu khí (sửa đổi) có 10 điểm mới, tạo ra 3 mục tiêu kỳ vọng như thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí.

Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan.
Người lao động Vietsovpetro trên giàn khoan.

Trong đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) tạo cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, cạnh tranh với các nước trong khu vực, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí; bổ sung chính sách điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí; bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà đầu tư.

“Hoạt động dầu khí là một hoạt động rủi ro, cần có cơ chế tài chính. Đặc biệt, đối với mỏ dầu khí cận biên, chi phí điều tra cơ bản của Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được tính từ nguồn sau thuế, nếu dự án không thành công thì được bù đắp bằng chi phí lợi nhuận sau thuế, bù đắp rủi ro trong hoạt động dầu khí” - ông Phan Đức Hiếu cho hay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, việc xây dựng bộ luật này đã thay đổi nhiều về cách thức, tư duy làm luật mới, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý; tạo điều kiện giám sát, thăm dò dầu khí tốt hơn; huy động nguồn lực vào thăm dò, trên cơ sở đó bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia.

Còn chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) có những phần mới trải rộng quá trình hoạt động, khai thác dầu khí liên quan đến tìm kiếm thăm dò, điều tra cơ bản, những ưu đãi đặc biệt, quy định về kế toán kiểm toán, phân cấp phân quyền sao cho hiệu quả...

Những điểm mới này đặt ra kỳ vọng giúp bao quát chặt chẽ hơn, hiện thực hoá công tác triển khai, tăng độ linh hoạt thuận lợi, tương thích với luật quốc tế, tăng tổng vốn đầu tư, khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai trong bối cảnh các mỏ hiện nay đang có sự cạn kiệt.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng những văn bản dưới luật cần có sự chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, để tránh kẽ hở cho sự lạm dụng ảnh hưởng an ninh quốc gia, cho tham nhũng, hay các ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư.

 

PVEP là doanh nghiệp chủ lực trong việc tìm kiếm, khai thác dầu khí của PVN trong thời gian vừa qua cũng không đạt như kỳ vọng cả về trữ lượng và phát triển các khu mỏ. Với Luật Dầu khí sửa đổi năm 2022 ra đời, PVEP đánh giá tác động lớn đến tháo gỡ thẩm quyền, thủ tục đầu tư, phân cấp thẩm quyền cho các cơ quan, trong đó PVN cũng được phân cấp dự án đầu tư về mặt quản lý hoạt động dầu khí, từ đó cải thiện ưu đãi đầu tư, các hợp đồng dầu khí sắp hết hạn, cơ chế tiếp nhận những hợp đồng có thời hạn, thẩm quyền triển khai các dự án dầu khí đồng bộ.

Bà Lê Việt Nga - đại diện Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)