Tạo cơ chế đặc thù để phát triển văn hoá

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Triển khai, thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành uỷ Hà Nội về phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thanh Oai đã có nhiều cách làm sáng tạo, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Tăng cường đầu tư cho văn hoá

Với nhận thức “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế, xã hội bền vững”, theo tình thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, XVII; trong những năm qua, mặc dù là huyện ngoại thành còn khó khăn về nhiều mặt, song với sự chỉ đạo của các Sở, ngành TP, huyện Thanh Oai đã đầu tư phát triển văn hoá trên địa bàn.
 Đường làng, ngõ xóm ở thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) phong quang, sạch đẹp.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, từ năm 2012, UBND, HĐND huyện đã có chủ trương, Nghị quyết về các cơ chế đặc thù để hỗ trợ văn hoá phát triển. Cụ thể, đối với các xã có làng lần đầu được đạt danh hiệu làng văn hoá, huyện sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng, lần thứ 2 dược hỗ trợ 10 triệu đồng; cơ quan được công nhận văn hoá hỗ trợ 3 triệu đồng; các gia đình có người thân qua đời thực hiện hoả táng được hỗ trợ 1 triệu đồng; những ngôi mộ được quy tập vào nghĩa trang đã được quy hoạch được hỗ trợ 1 triệu đồng; cá nhân trông coi các di tích được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng.

Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, TP và huyện, năm 2017, tỷ lệ gia đình văn hoá tại Thanh Oai đạt 88%, làng văn hoá đạt 86%, cơ quan văn hoá đạt 75%.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điểm nhấn cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, từ năm 2018, Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Thanh Oai đã tham mưu với huyện xây dựng mô hình làng, tổ dân phố văn hoá kiểu mẫu. Làng, tổ dân phố được chọn xây dựng mô hình đều là những địa phương có truyền thống, phong trào nhiều năm.

Giai đoạn 2018 – 2020, huyện Thanh Oai lựa chọn 4 làng, tổ dân phố tham gia mô hình làng, tổ dân phố văn hoá với những tiêu chí đặt ra gồm: Thực hiện tốt các tiêu chí chung của TP; một số tiêu chí cao hơn yêu cầu đặt ra từ 10 – 30%.

Đồng thời, một số tiêu chí phải mang tính đột phá về tầm nhìn, nhất là trong tiến trình đô thị hoá như: Mỗi thôn phải có 1 mô hình chuyển đổi trong nông nghiệp từ 500m2 trở lên đạt hiệu quả; có 2 điểm đỗ xe tĩnh, mỗi điểm trên 300m2; có 1 điểm tập kết xây dựng 500m2; có sân thể thao diện tích tối thiểu 300m2; có 500m tuyến đường hoá, cây xanh; có nhà văn hoá đạt chuẩn 1.000m2; có một số điểm tập kết rác sinh hoạt.

Ngoài ra, các làng, tổ dân phố văn hoá kiểu mẫu cần thực hiện tốt việc tổ chức lễ tang văn minh, tiến bộ; thực hiện tốt quy ước, hương ước; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, phân loại rác sinh hoạt; thực hiện tốt 2 bộ Quy tắc ứng xử của TP.

Để hỗ trợ thực hiện các tiêu chí trên, huyện Thanh Oai đã thực hiện đầu tư công các công trình, hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hoá (từ 400 – 500 triệu đồng/thôn).

Phát huy kết quả đã đạt được

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi: Quá trình triển khai thực hiện các mô hình, cán bộ, Đảng viên và Nhân dân Thanh Oai đón nhận với tâm thế phấn khởi, trách nhiệm. Giai đoạn 2018 – 2020, huyện Thanh Oai có 3/4 làng đạt chỉ tiêu văn hoá. Năm 2021, đã có thêm 1 làng đạt chỉ tiêu trên. Kết quả của mô hình chỉ là bước đầu nhưng đã tạo điểm nhấn cho việc thực hiện các phong trào khác trong giai đoạn 2022 – 2025.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết: Năm 2022 và những năm tiếp theo, phòng Văn hoá – Thông tin huyện sẽ tiếp tục tham mưu với Huyện uỷ, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo của huyện các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Đồng thời, tiếp tục tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá, góp phần xây dựng huyện Thanh Oai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 và đạt các tiêu chí trở thành quận vào năm 2028-2030.

Để đạt được kết quả trên, lãnh đạo Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Thanh Oai đề nghị Sở VH&TT Hà Nội tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá. Cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Sở cần nghiên cứu một số mô hình điển hình về lĩnh vực văn hoá ở cở sở; ban hành một số sổ sách, mẫu biểu chung để trang bị cho các xã, thị trấn về việc đăng ký xét tặng danh hiệu văn hoá.

Bên cạnh đó, Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội cần ban hành một số văn bản pháp lý để các cơ sở, quận huyện ban hành cơ chế đầu tư cho phát triển văn hoá; quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí đối với các thiết chế văn hoá ở cơ sở như: Di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, nhà văn hoá, thôn – tổ dân phố văn hoá, lắp đặt các trang thiết bị thể dục, thể thao cho các thôn – tổ dân phố trên địa bàn.