Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cơ chế để giáo viên yên tâm với nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều trẻ mầm non (MN) chưa được đến trường; cần có kế hoạch phân bổ ngân sách, ưu...

Kinhtedothi - Nhiều trẻ mầm non (MN) chưa được đến trường; cần có kế hoạch phân bổ ngân sách, ưu tiên cho cấp học MN theo hướng đầu tư cao hơn; có chế độ chính sách cho giáo viên (GV)... là những nội dung được bàn thảo tại buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành về thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục MN, diễn ra ngày 16/9.

Ưu tiên giáo dục mầm non

Theo thống kê, Hà Nội có 948 trường MN với 464.000 trẻ (chiếm 1/10 trẻ MN toàn quốc). Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận, mạng lưới trường, lớp MN phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, song vẫn mất cân đối giữa các loại hình, vùng miền. Trong đó, mạng lưới nhóm nhà trẻ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Những năm qua trường tăng nhanh, bình quân tăng 23 - 28 trường/năm, chủ yếu là các trường ngoài công lập (NCL). 1.600 nhóm, trẻ tư thục (chủ yếu không đủ sĩ số thành lập trường), tập trung chủ yếu KCN, nơi dân cư tăng cơ học. Các trường NCL đóng góp lớn trong việc giảm tải cho trường công lập, nhiều trường áp dụng phương pháp tiên tiến góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục mọi mặt. Tuy nhiên, chính sách vĩ mô, nhưng đi vào thực tế chưa được như mong muốn. Ví như quỹ đất, kinh phí... chưa được quan tâm đầu tư, chưa có sự ưu tiên cho giáo dục MN nên đội ngũ GV trường NCL không yên tâm đứng lớp... "Do đó, cần có thêm chính sách cho giáo dục MN, nhất là MN NCL, có thể miễn thuế từ 8 - 10 năm đầu, bởi MN phải đầu tư lớn hơn nhiều so với các cấp học khác. Ngoài ra, cần nâng bằng cấp đối với chủ trường, nhóm lớp MN NCL, hiện những chủ trường này mới chỉ tốt nghiệp THCS, thấp, cần nâng lên" - bà Nga kiến nghị.  

 
Một buổi học tại trường Mầm non An Dương, quận Tây Hồ.  	Ảnh: Quỳnh Anh
Một buổi học tại trường Mầm non An Dương, quận Tây Hồ. Ảnh: Quỳnh Anh
Về vấn đề này, TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, giáo dục MN trong những năm gần đây phát triển cả về quy mô, chất lượng có tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ GV đạt chuẩn khá cao (trên 90%); trường MN đạt chuẩn cao (27%), 18 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN 5 tuổi. Tuy nhiên, đổi mới phương pháp giáo dục chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản; còn nhiều phòng học chưa được kiên cố hóa; quản lý Nhà nước về giáo dục MN NCL còn hạn chế; chưa có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư của xã hội tham gia phát triển giáo dục MN. Vì vậy, bà Đan khẳng định: "Cần có chính sách mạnh hơn để khuyến khích tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục MN bằng các chính sách: Giao đất sạch, miễn, giảm thuế với các trường NCL; đổi mới cơ chế tài chính đối với các trường MN công lập trên cơ sở tính đủ chi phí của nhà trường, xác định cụ thể tỷ lệ ngân sách Nhà nước cấp và tỷ lệ nguồn thu từ học phí trên cơ sở đảm bảo cho nhà trường đủ tài chính để hoạt động; Nhà nước hỗ trợ học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nghèo".

Quan tâm đời sống giáo viên

Ngoài đề xuất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi, hỗ trợ khó khăn cho trẻ vùng sâu, vùng xa, miễn giảm thuế cho các trường MN NCL, đa số đại biểu còn cho rằng, cần có chế độ, chính sách cho GV trực tiếp đứng lớp.

Là bởi giáo dục MN ở vùng núi, vùng sâu, xa còn thiếu về cơ sở vật chất, cũng như GV. Ngay ở TP, một số khu đô thị, khu công nghiệp cũng thiếu. Đội ngũ GV đang thiếu và yếu là nguyên nhân quan trọng khiến việc phổ cập giáo dục MN 5 tuổi gặp khó khăn. Do đó, đào tạo đội ngũ GV MN cần được quan tâm đặc biệt cả trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi đối với sinh viên theo học khối sư phạm để tạo nguồn cho đội ngũ GV có chất lượng. Có ý kiến còn đề xuất, đời sống cho GV công lập đã được đầu tư, tuy nhiên cần phải kết hợp công - tư đầu tư cho GD MN.

Rất nhiều ý kiến được nêu ra từ thực tế dạy và học của bậc MN, song đúng như bà Tâm Đan chia sẻ: "Chế độ chính sách đối với GV MN vẫn là vấn đề phải quan tâm nghiên cứu giải quyết theo hướng tạo nguồn thu từ ngân sách của Nhà nước kết hợp với nguồn thu từ chính sách xã hội hóa GD MN. GV MN ở các cơ sở MN học 2 buổi/ngày phải kéo dài thời gian lao động suốt hơn 8 tiếng/ngày, trong khi đó, chăm sóc trẻ nhỏ tuổi đòi hỏi sự tận tâm, chu đáo. Để nâng cao chất lượng giáo dục MN cần phải quan tâm đến đời sống của GV và đổi mới phương pháp dạy học, chăm sóc trẻ, đây là 2 vấn đề cần phải được tập trung giải quyết. Đặc biệt, phải có cơ chế chính sách cho GV yên tâm với nghề, đây là cốt lõi để tạo nên chất lượng GD".