Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cơ chế thu hút đầu tư vào giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị tổng kết hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 22/3, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy chế phối hợp quản lý các cơ sở này.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện Hà Nội có 70 cơ sở giáo dục có hợp tác, đầu tư của nước ngoài, trong đó có 59 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, 11 cơ sở giáo dục nước ngoài. 

So với năm 2014, số lượng cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP năm 2015 không tăng nhiều, chỉ có thêm 1 trường mầm non và 12 trung tâm đào tạo ngắn hạn. Đánh giá về hoạt động của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, bà Bùi Thị Minh Nga – Trưởng phòng Quản lý giáo dục yếu tố nước ngoài, Sở GD&ĐT khẳng định, các cơ sở giáo dục này đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, của học sinh Việt Nam và của con em người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. 
Tạo cơ chế thu hút đầu tư vào giáo dục - Ảnh 1

 
Tuy nhiên, bà Nga cũng cho biết, bên cạnh các đơn vị làm tốt, vẫn còn một số cơ sở đào tạo ngắn hạn chưa tương xứng với mức học phí; chưa cập nhật những thay đổi đột xuất trong quá trình hoạt động như chuyển địa điểm, thay đổi giáo viên…

Ở góc nhìn của địa phương, bà Vũ Hồng Loan – Phó Trưởng Phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm cũng thẳng thắn cho rằng, những năm gần đây, số lượng các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài ở Hà Nội tăng lên rất nhiều, vì vậy việc quản lý các cơ sở này một cách hiệu quả là điều hết sức cần thiết. Song việc quản lý các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay còn mới mẻ, triển khai gặp nhiều lúng túng. 

Vì thế, để công tác quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài đồng bộ, chặt chẽ từ khâu cấp phép đến khâu quản lý hoạt động, tránh tình trạng thương hiệu “lớn” mà chất lượng lại “nhỏ”, lãnh đạo nhiều phòng GD&ĐT quận, huyện đề xuất Sở GD&ĐT chỉ đạo sát sao, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên hơn nhằm tạo thuận lợi cho các phòng giáo dục trong công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở này. 

Bản thân nhà quản lý giáo dục Hà Nội cũng nhận thấy, để hoạt động giáo dục của các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài đi vào nề nếp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, Bộ GD&ĐT cần đánh giá sau 3 năm triển khai Nghị định của Chính phủ về hoạt động giáo dục này để có cơ sở điều chỉnh, bổ sung và hướng dẫn một số điều khoản chưa quy định cụ thể. Bên cạnh đó, "TP xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thông thoáng, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục; đồng thời nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp việc quản lý các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mỗi ngành, cơ quan, cũng như của nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục…” - bà Nga kiến nghị.