Festival có quy mô 73 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu, chủ thể sản phẩm OCOP (đạt phân hạng từ 3 sao trở lên). Trong đó, 20 gian hàng đại diện các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Lâm Đồng; 53 gian hàng doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm OCOP, làng nghề huyện Chương Mỹ và của một số quận huyện trên địa bàn Hà Nội.
Những sản phẩm trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Festival được Ban tổ chức lựa chọn kỹ từ nhóm thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, vật tư nông nghiệp, ẩm thực tiêu biểu của các địa phương.
Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương cho biết, Festival là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch đến khách tham quan, người tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
Từ nay đến cuối năm 2022, HPA tiếp tục phối hợp với các huyện trên địa bàn thành phố tổ chức Festival ''Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022''. Qua đó, tăng cường đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Nhằm thu hút khách tham quan, trong thời gian diễn ra Festival (24 - 26/6) bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP còn diễn nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian: Đẩy gậy, kéo co, nhảy múa, bắt vịt...; Trải nghiệm tự làm sản phẩm OCOP tại chỗ như: Đan nón, đan quạt, nặn đồ gốm, nặn tò he...