Tạo đà cho cụm công nghiệp làng nghề

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển cụm công nghiệp làng nghề (CCNLN) được kỳ vọng là nhân tố thúc đẩy cơ khí hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, thực tế các CCNLN chưa phát huy được tiềm năng vốn có do thiếu sự liên kết, giống như chiếc bánh xe thiếu cả trục và nan hoa.

Chiếc bánh xe thiếu cả trục và nan hoa”

Theo báo cáo của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có hơn 4.000 cụm công nghiệp làng nghề, trong đó khu vực miền Bắc chiếm khoảng 70% số cụm công nghiệp làng nghề cả nước. Tổng số cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp làng nghề khoảng 40.000 cơ sở, trong đó hơn 80% là các hộ kinh doanh cá thể.

Nhiều CCNLN không chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới mà còn áp dụng các cụm công nghệ mới để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, xuất khẩu ra nước ngoài. Phát triển CCNLN được kỳ vọng là hạt nhân đổi mới sáng tạo tại nông thôn, nhân tố thúc đẩy cơ khí hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất.

Sản xuất gốm tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng
Sản xuất gốm tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng

Tuy nhiên, TS Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đánh giá, sự phát triển các CCNLN nói chung còn yếu, chưa phát huy được tiềm năng vốn có. Một trong những lý do là vì sự liên kết trong các CCNLN còn nhiều hạn chế. Mối liên kết bên trong của các CCNLN khá đa dạng, từ liên kết mạng lưới cho tớiliên kết thuận chiều và liên kết ngược chiều. Chính đặc trưng về sự liên kết này đã mang lại lợi thế cho sự phát triển của các CCNLN. Tuy vậy, sự liên kết này trong các CCNLN cũng như sự liên kết của CCNLN với những tổ chức bên ngoài còn yếu nên đã hạn chế sự phát triển.

TS Tôn Gia Hóa chia sẻ thêm, Chính phủ đã hỗ trợ sự phát triển của các làng nghề thông qua quy hoạch phát triển những khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề với cơ sở hạ tầng tốt hơn. Theo một số nghị định của Chính phủ thì những dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm, điểm công nghiệp của làng nghề được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, các CCNLN hiện nay hoạt động chưa hiệu quả so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ. Nhiều nơi không thể thu hút được các cơ sở sản xuất di chuyển vào và phải để hoang.

Dùng hình ảnh bánh xe để phác họa việc phát triển CCNLN hiện nay, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tại Hải Dương Nguyễn Văn Lưu cho rằng, không khác một chiếc bánh xe nhưng thiếu cả trục và nan hoa.

Ông Nguyễn Văn Lưu chỉ ra, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quy hoạch phát triển CCNLN hiện nay, đó là chính quyền các cấp hầu như thả nổi để cá nhân, DN ''tự bơi''. Muốn có quy hoạch các chủ DN, cá nhân phải tự vận động, chạy chọt. Khi đã có quy hoạch, các chủ DN, cá nhân phải tự mua ruộng đất của dân, tự thỏa thuận với dân, việc này vô cùng khó khăn. Đến khi đã có quỹ đất rồi, việc làm dự án hộ gia đình cá thể, DN… phải qua các ''cửa ải'' sở ban ngành thời gian quá lâu vài năm cũng không xong. Trong khi, khả năng tài chính của những người sản xuất làng nghề eo hẹp, việc tiếp cận vay vốn với ngân hàng và các tổ chức tín dụng cũng cực kỳ khó khăn.

Một vấn đề nữa là nhân lực lao động làng nghề tuyển dụng không có. Người lao động đa số muốn làm việc nhẹ lương cao, muốn làm tại các công ty, nhà máy ở khu công nghiệp. Sản phẩm làng nghề sản xuất ra kênh tiêu thụ không ổn định, giá cả vật tư nguyên liệu biến động leo thang… Người lao động luôn đưa ra những yêu sách vượt quá điều kiện cho phép của người sử dụng lao động. Ngoài ra còn những quy định khắt khe của bảo hiểm xã hội, công đoàn, các tổ chức xã hội.

Tăng cường liên kết

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh Thái Nguyên Bùi Quang Huân, cho rằng, việc quy hoạch CCNLN chưa tốt, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa phù hợp đã gây lên những hệ lụy xấu cho kinh tế, xã hội tại các địa phương, nhất là vấn đề môi trường. Vì vậy, cần có nhóm chính sách và giải pháp quy hoạch không gian phát triển CCNLN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển CCNLN trên thế giới, Viện trưởng Viện nghiên cứu Ứng dụng mỹ thuật sản phẩm Làng nghề Việt Nam Nguyễn Thị Tòng cho hay, phát triển liên kết trong CCNLN nên xây dựng liên kết ngành trục bánh xe và nan hoa. Đó là liên kết được chi phối bởi một hay một vài DN lớn (đóng vai trò trục bánh xe), có các nhà cung cấp hay DN liên quan với quy mô nhỏ hơn ở xung quanh (nan hoa). Khi hình thành liên kết này, các DN nhỏ và vừa trong làng nghề sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thị trường đầu tư và dây chuyền công nghệ hiện đại.

Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thị Tòng nêu ý kiến, cần nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc hình thành và phát triển các liên kết trong CCNLN. Trong đó, vai trò của Nhà nước không phải bằng các can thiệp trực tiếp, mà bằng những cơ chế chính sách tổng hợp, hay tạo ra một môi trường tốt nhất với hạ tầng cơ sở thuận lợi cho DN hoạt động trong cùng một lĩnh vực liên kết với nhau.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt cho rằng, để phát triển CCNLN theo hướng bền vững, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển CCNLN. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hạ tầng cơ sở chú ý đến yếu tố xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường làng nghề. Song song kết hợp đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật chất lượng cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý sản xuất trong các doanh nghiệp làng nghề. Cần phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc tạo các mối liên kết giữa DN, liên kết giữa cụm công nghiệp trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm để phát triển các CCNLN.