Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo “diễn đàn dân chủ” tăng sự đồng thuận

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện các cấp chính quyền, cơ quan đang rất chú trọng việc phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện các cấp chính quyền, cơ quan đang rất chú trọng việc phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân. Chính vì vậy, nhận thức và sự hưởng ứng, đồng thuận của người dân về dân chủ và thực hành dân chủ ngày càng được nâng lên.

“Chìa khóa vạn năng để giải quyết khó khăn”

Người dân tìm hiểu thông tin các văn bản, quy định thủ tục hành chính tại UBND huyện Quốc Oai. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân tìm hiểu thông tin các văn bản, quy định thủ tục hành chính tại UBND huyện Quốc Oai. Ảnh: Phạm Hùng

Theo GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân; thực hành dân chủ rộng rãi chính là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, thực hiện mọi nhiệm vụ. “Đây là những luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân chủ, chúng ta cần hết sức vận dụng trong thực tiễn” – GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, mối quan hệ dân chủ thể hiện rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, trong hoạt động trực tiếp hàng ngày là quan hệ giữa công chức trong việc tiếp công dân.

Thời gian qua tại Hà Nội cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh. Quyền làm chủ của Nhân dân được coi trọng, phát huy, qua đó đã tạo bầu không khí dân chủ cởi mở hơn trong xã hội, người dân tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Cùng với đó, việc thực hiện quy chế dân chủ được gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân, chống tiêu cực, quan liêu, nhũng nhiễu gây phiền hà đến Nhân dân.

Giải quyết những vướng mắc

Như lãnh đạo TP Hà Nội đã nhấn mạnh quan điểm, TP luôn xác định tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân là giải pháp căn cơ, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.

Thời gian vừa qua, liên tục các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP với đại diện nông dân, phụ nữ, cộng đồng DN đã được tổ chức, nhiều vướng mắc, kiến nghị đã được cởi gỡ. Tại các quận huyện, trong những tháng cuối năm, liên tục các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân cũng diễn ra. Tại huyện Gia Lâm, trong cuộc đối thoại diễn ra ngày 13/12, rất nhiều kiến nghị trực tiếp liên quan đến quản lý đất đai, GPMB, trật tự xây dựng; đầu tư xây dựng, xây dựng nông thôn mới, văn hóa - xã hội… đã được đề cập. Như lãnh đạo huyện đã nhận định, các ý kiến đã giúp cấp ủy, chính quyền huyện lắng nghe, nắm bắt đầy đủ, toàn diện, hiểu hơn những tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc từ cơ sở, những vấn đề cần tập trung giải quyết ngay, những vấn đề mang tính chiến lược cần có kế hoạch, lộ trình để thực hiện.

Tại quận Hoàng Mai, qua đối thoại, lãnh đạo quận đã trực tiếp trả lời nhiều kiến nghị của người dân về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc cải tạo nâng cấp các nhà hội họp khu dân cư; công tác đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn và việc đầu tư các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, đầu tư xây dựng trường học; công tác đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới…

Các cuộc đối thoại này có thể coi là một “diễn đàn dân chủ của Nhân dân”. Người dân được quyền nói, quyền bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng một cách thẳng thắn trước các vấn đề bức xúc liên quan đến lợi ích trực tiếp của mình. Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, ở cấp TP đã tổ chức được 14 hội nghị tiếp xúc, đối thoại; cấp quận, huyện, thị xã đã định kỳ tổ chức được 208 hội nghị; 98,4% lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định… Bên cạnh đó, các cấp TP Hà Nội còn tổ chức hàng nghìn cuộc đối thoại đột xuất với hàng chục nghìn ý kiến đã được tiếp thu, trả lời. Các ý kiến vượt thẩm quyền đã được tiếp thu và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đặc biệt, tại Hà Nội, việc triển khai tốt công tác dân vận chính quyền, tổ chức đối thoại với người dân đã giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với người dân. Đây cũng là kinh nghiệm quý của Hà Nội trong kéo giảm các vụ khiếu nại, tố cáo, hóa giải các điểm “nóng” ngay từ khi phát sinh.