Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển

Khắc Kiên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 35 sau một năm đi vào cuộc sống như một làn gió mới nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và được cộng đồng doanh nghiêp đánh giá cao vì tính thực tiễn. Bên lề Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

Theo ông Mạc Quốc Anh, sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng việc tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Sau một năm triển khai thực hiện, các cơ quan có liên quan cùng hưởng ứng lời kêu gọi và các giải pháp nên cũng đã tạo ra nhiều chuyển biến khả quan.

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.

Có rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân đưa ra tại hội nghị đối thoại, từ vốn vay, công tác thuế, thanh tra rồi các thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà phức tạp...  Liệu đây có phải là những ý kiến mới về vấn đề đã cũ mà đến nay vẫn chưa được giải quyết hay không, thưa ông? 

- Chuyển biến là có nhưng hiệu quả chưa cao, vấn đề đã cũ nhưng diễn biến mới vẫn còn. Các bộ ngành và lãnh đạo có chủ trương nhưng cán bộ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp chuyên môn còn yếu, đồng bộ chưa cao hoặc còn "trục trặc" thì chưa thể giải quyết vấn đề và hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp được. Các chính sách mang tính chung chung chứ chưa hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể, chẳng hạn hỗ trợ tiếp cận vốn như thế nào, hỗ trợ các thủ tục pháp lý trong bao lâu, chưa có quy trình tiếp nhận thủ tục và thời gian thụ lý giải quyết, số lần thanh tra doanh nghiệp tối đa bao nhiêu lần/năm, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi đổi mới công nghệ như thế nào...

Trong bất kỳ thời kỳ nào các doanh nghiệp tư nhân đều rất cần sự hỗ trợ thiết thực hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ban, ngành chức năng và đến thời điểm  này mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội là gì, thưa ông? 

- Tôi xin nói ngắn gọn là mong muốn của doanh nghiệp thì nhiều nhưng tóm gọn lại xin trả lời bằng việc trích dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "Công tác cán bộ đúng, chuẩn xác, cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp thành công". Ngoài ra, Nhà nước nên tạo điều kiện để doanh nghiệp nêu tiếng nói của mình. Đồng thời, cần sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa bộ máy quản lý hành chính và DN mà hội nghị Thủ tướng sẽ là bước nền để đưa cơ quan Nhà nước gần lại với doanh nghiệp hơn. Quan hệ giữa hai bên có chặt chẽ thì Nhà nước mới có thể tháo gỡ khó khăn được cho doanh nghiệp.

Vậy một vấn đề đã được nhắc đến từ lâu nhưng đến nay vẫn nóng, gây nhiều bức xúc nhưng chưa được giải quyết đó là các khoản chi phí không chính thức có xu hướng ngày càng tăng lên, ông đánh giá thế nào về vấn đề này? Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội có còn gặp vấn đề này? 

- Các khoản chi phí không chính thức tôi khẳng định là vẫn còn tuy nhiên có chiều hướng giảm chứ không tăng lên.  Thực tế thì nhiều doanh nghiệp hội viên phản ánh tình trạng thanh kiểm tra giữa nhiều cơ quan vẫn còn, và thậm chí đều về các vấn đề giống nhau. Đây chỉ là một trong số rất nhiều chi phí không chính thức chưa nói chi phí thời gian tiếp các đoàn trên cũng ảnh hưởng hoạt động kinh doanh. 

Cá nhân tôi đề xuất thủ tục thanh kiểm tra phải đúng quy trình, quy định đảm bảo tính chính xác và vông khai để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp cũng như họ còn chủ động thời gian và hoạt động kinh doanh. 

Thưa ông, làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước có thể cạnh tranh lành mạnh? 

- Để doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh lành mạnh thì phải có cơ chế và môi trường kinh tế đầu tư lanh mạnh hơn và theo cơ chế thị trường. Cụ thể, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp Nhà nước không mang tính trọng yếu và cần bảo hộ để giải phóng sức lao động và tạo tiền đề phát triển khối tư nhân.

Cái gì tư nhân làm được  thì nhà nước không cần làm nữa vì sẽ gây cạnh tranh trực tiếp và gây lợi ích nhóm cho khối Nhà nước. Sau nữa, phải làm sao để Nhà nước coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng bị quản lý (phải đẩy mạnh hơn nữa) thì sự khác biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ giảm bớt đi nhiều, tính cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn. 

Xin cảm ơn ông!