Đại biểu Quốc hội góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Tạo điều kiện để Hà Nội xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các đại biểu Quốc hội, việc cho phép chính quyền thành phố và các chủ thể liên quan đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Chiều 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao phù hợp với yêu cầu phát triển 

Nhất trí với quy định cho phép chính quyền TP Hà Nội và các chủ thể có liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học, cơ sở giáo dục chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. 

Đại biểu nhấn mạnh, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết của Bộ Chính trị. Thêm vào đó, đây không phải là quy định hoàn toàn mới mà có sự tiếp nối, kế thừa khoản 3 Điều 12 của Luật Thủ đô hiện hành. Thực tiễn triển khai cơ sở giáo dục chất lượng cao thời gian qua ở Hà Nội đã cho thấy kết quả tốt, được người dân đồng tình, ủng hộ. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của Thủ đô và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị, cần có định nghĩa về “chất lượng cao” bảo đảm xác định rõ; cần cân nhắc mức độ đầu tư cho trường chất lượng cao, xác định đối tượng học…

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nên rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các từ ngữ, thuật ngữ được sử dụng trong Dự thảo Luật được chính xác, nhất quán như về cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông chất lượng cao… Đồng thời, xác định rõ ưu đãi quy định tại Điều 43 đối với cơ sở giáo dục nhiều cấp học phải là cơ sở giáo dục nhiều cấp học chất lượng cao.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai 

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, Thủ đô Hà Nội cần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao. Khoản 2 Điều 2 Dự thảo Luật cho phép chính quyền TP Hà Nội và các chủ thể liên quan đầu tư xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục nhiều cấp học là phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội. 

Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, Thủ đô Hà Nội cần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, Thủ đô Hà Nội cần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí, quy tụ nguồn lực nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giao Thủ đô Hà Nội phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. 

“Chính vì vậy, việc tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ này. Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ trên, đại biểu cho rằng cần coi trọng việc cho phép Thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao, coi đây là trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước” - đại biểu Trần Thị Vân nêu quan điểm.

Nhất trí bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục được thành lập doanh nghiệp

Quan tâm đến chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, các quy định đã có bước hoàn thiện đáng kể, bổ sung và cụ thể hoá nhiều nội dung liên quan trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 ngày 26/3/2024. 

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Tạ Đình Thi bày tỏ nhất trí việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý điều hành doanh nghiệp với điều kiện được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức. 

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, quy định này là nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đưa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ nhanh chóng đi vào thị trường, gắn với thực tế đời sống kinh tế - xã hội. Qua đây hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển; đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô. 

Chính sách này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm và chu trình sản xuất ngày càng được rút ngắn, sự phát triển và mở rộng ngày càng nhanh quy mô mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. 

Tuy nhiên, để bảo bảo tính khả thi của chính sách, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu Trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục Đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng.