Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, vải, nhãn là 2 loại cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc với tổng diện tích năm 2017 là 98.000ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc. Trong đó, vải chiếm 16% và nhãn chiếm 11%.
Năm nay thời tiết thuận lợi, tỉ lệ cây ra hoa, đậu quả đạt trên 90%. Các trà vải sớm đang trong giai đoạn quả non - vào cùi, trà vải chính vụ trong giai đoạn quả non, nhãn đang trong gian đoạn nở hoa, đậu quả non, hứa hẹn được mùa vải nhãn. Dự kiến, sản lượng vải 3 tỉnh ước đạt trên 217.000 tấn (Bắc Giang 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn, Hưng Yên 12.000 tấn). Với nhãn sản lượng khoảng 80.000 tấn (Hưng Yên 41.000 tấn, Sơn La 38.000 tấn).Trong đó, tỉ lệ tiêu thụ vải, nhãn ở thị trường nội địa chiếm khoảng 50% và đang có xu hướng tăng. Địa bàn tiêu thụ chính là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Với thị trường xuất khẩu, hiện vải tươi đã xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Asean, Trung Đông…Tại tỉnh Hải Dương, năm nay sản lượng dự kiến rất lớn. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ bỏ kinh phí để hỗ trợ người dân xuất khẩu. Tuy nhiên, giá chiếu xạ còn cao, vận chuyển xa nên lượng xuất khẩu chưa được nhiều. Hải Dương rất cần các nhà khoa học vào cuộc để giúp tỉnh này bảo quản vải được lâu hơn, tạo điều kiện xuất khẩu nhiều hơn. Ngoài ra, Hải Dương sẽ tổ chức lễ hội vải Thanh Hà vào cuối tháng 5/2018; đồng thời tỉnh sẽ phối hợp với các công ty lớn như Hapro, Đồng Giao, Co.opmart… giúp người dân tiêu thụ vải.Về việc tiêu thụ vải, nhãn, ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, sản lượng vải của tỉnh tăng 15%, nhãn 20%. Theo ông Phóng, tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá xúc tiến thương mại, mời các DN về Hưng Yên bàn giải pháp tiêu thụ, tổ chức hội chợ ở Ecopark (TP Hà Nội).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị |