Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý điều trị tăng huyết áp tại y tế cơ sở:

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế triển khai quản lý điều trị tăng huyết áp (THA) tại tuyến xã của huyện Mỹ Đức cho thấy, đây là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Hơn 3.800 bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện, quản lý

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Sở Y tế và BHXH Hà Nội, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Mỹ Đức phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai mô hình khám, điều trị THA theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế (TYT) xã từ năm 2020 đến nay, mang ý nghĩa đặc biệt, giúp giảm thiểu bệnh cho người dân.

Hiện nay, Mỹ Đức đã đạt 94,5% dân số tham gia BHYT, là một tỷ lệ tích cực so với mặt bằng chung của Hà Nội...

Giám đốc TTYT huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Năm cho biết, giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, việc quản lý, điều trị THA được thanh toán BHYT chủ yếu áp dụng từ bệnh viện tuyến huyện trở lên và chưa có mô hình quản lý thống nhất về khám, điều trị và thanh toán BHYT cho bệnh THA tại TYT của quận/huyện.

Hơn 3.800 bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện, quản lý.
Hơn 3.800 bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện, quản lý.

Vì vậy, người bệnh THA trên địa bàn huyện về cơ bản chưa được quản lý theo dõi, điều trị tại TYT đầy đủ và hiệu quả, hằng tháng thường phải lên bệnh viện tuyến huyện và tuyến TP để được khám, tư vấn, cấp thuốc, dẫn đến gặp không ít khó khăn về đi lại, thủ tục chuyển tuyến, cũng như tăng gánh nặng chi phí.

Trong khi đó, nhu cầu của người dân, người bệnh về chăm sóc sức khỏe một cách thuận tiện, chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở ngày càng cao.

Do đó, từ đầu tháng 5/2020, TTYT huyện Mỹ Đức đã đề xuất Sở Y tế và BHXH Hà Nội tạo điều kiện giúp đỡ TTYT huyện phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai mô hình khám, điều trị THA theo nguyên lý y học gia đình tại TYT xã Bột Xuyên và được thanh toán BHYT.

Mô hình được thực hiện theo phương thức "cầm tay chỉ việc", đào tạo tại chỗ và hỗ trợ khám, tư vấn, điều trị qua điện thoại video, zalo; đồng thời nhân rộng mô hình đến các TYT xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện (gồm 6 xã, thị trấn: An Mỹ, Hồng Sơn, Lê Thanh, Đại Nghĩa, An Phú, Phùng Xá)...

Sau 4 năm thí điểm, tính đến tháng 6/2024, huyện Mỹ Đức đã có 15.236/18.475 (82,4%) người dân từ trên 40 tuổi tại 6 xã được khám sàng lọc, trong đó có 3.836 bệnh nhân THA được phát hiện và đưa vào quản lý. Riêng các TYT quản lý điều trị thường xuyên, liên tục cho 1.684 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân điều trị huyết áp đạt mục tiêu là 1.418 bệnh nhân (84,2%)...

Phòng ngừa biến chứng bệnh tăng huyết áp có chi phí điều trị cao

Bác sĩ Năm cho biết, trước khi triển khai mô hình khám sàng lọc, quản lý điều trị THA, TYT xã Bột Xuyên mới quản lý 179 bệnh nhân, trung bình mỗi tháng điều trị 2-3 bệnh nhân.

Sau khi triển khai, TYT đã lập bệnh án quản lý 358 bệnh nhân, trung bình khám và điều trị duy trì 270 bệnh nhân mỗi tháng. Số người bệnh đạt hiệu quả điều trị duy trì ngoại trú hằng tháng tại TYT trung bình đạt 82,3%.

Sau 4 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2024) triển khai mô hình, số ca tử vong liên quan đến các bệnh lý về tim mạch trên địa bàn và tai biến mạch máu não đều giảm so với trước đây. Số bệnh nhân phải chuyển tuyến trên điều trị trong thời gian triển khai mô hình là 2-3 ca/năm so với bình quân 14 ca/tháng trước đây...

Khám, tư vấn cho người bệnh tại huyện Mỹ Đức.
Khám, tư vấn cho người bệnh tại huyện Mỹ Đức.

Ngoài điều trị theo phác đồ, người bệnh còn được nhân viên y tế hướng dẫn tự đo huyết áp, ghi chép, theo dõi chỉ số huyết áp... là cơ sở để bác sĩ nắm bắt diễn biến bệnh lý, tư vấn điều chỉnh thuốc và chế độ sinh hoạt kịp thời.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, tại Việt Nam có khoảng 30% người trưởng thành mắc THA, tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh.

Nếu quản lý, điều trị người bệnh THA tại các bệnh viện tuyến trên sẽ dẫn đến tình trạng quá tải khi tiếp nhận bệnh nhân đến khám, điều trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, để giảm tình trạng này, góp phần điều trị sớm và hiệu quả cho người bệnh, cơ quan chức năng phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để giải quyết tình hình ngay tại tuyến y tế ban đầu.

Liên quan đến vấn đề này, theo TS Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thực tế triển khai quản lý điều trị THA tại tuyến xã của Mỹ Đức cho thấy, đây là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Đó là kết quả tích cực trong phòng ngừa biến chứng bệnh THA có chi phí điều trị cao. Bên cạnh đó, mô hình này cũng tạo thuận lợi cho người bệnh trong tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, giảm chi phí và thời gian đi lại, chờ đợi... Từ đó củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống y tế cơ sở...

Để bệnh nhân mạn tính đã ổn định được quản lý tại y tế cơ sở, lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị huyện Mỹ Đức nhân rộng mô hình đến các TYT xã trên địa bàn với sự vào cuộc tích cực của ngành y tế và chính quyền địa phương trong việc tiếp tục nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh của hệ thống y tế quan trọng này.