Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là khu vực khó khăn nhất cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo còn trên 23% (cao gấp 3,3 lần bình quân chung).
Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc ngày càng gặp khó khăn. Chính vì vậy, phương pháp giảm nghèo bền vững mà Việt Nam đang hướng tới là hỗ trợ đồng bào tự thân lập nghiệp, khởi nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu từ những tiềm năng và lợi thế của địa phương nơi bà con sinh sống. Ông Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh, công tác giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào thiểu số và miền núi cần dựa vào nội lực của chính mỗi hộ đồng bào. Tại những vùng đất này, tiềm năng cơ hội phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng, vật nuôi đặc sản, cây dược liệu và khai thác bản sắc văn hóa… chính là nội lực sẵn có. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung phân tích những vấn đề từ thực tiễn đến chính sách gắn với khởi nghiệp của đồng bào trong bối cảnh chung của đất nước.
Đề xuất một số giải pháp cụ thể về chính sách nhằm hỗ trợ đồng bào khởi nghiệp thông qua xác định vai trò của các tác nhân liên quan trong việc thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ đồng bào. Nhiều kiến nghị xung quanh kế hoạch hành động sau diễn đàn nhằm ươm tạo, tăng tốc, thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công cũng được nêu ra. Diễn đàn cũng đã giới thiệu và ghi nhận các mô hình khởi nghiệp thành công của đồng bào; các mô hình liên kết hợp tác khởi nghiệp thành công cùng đồng bào; chứng kiến việc ký kết một số biên bản nghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác trong và ngoài nước. Trong buổi chiều cùng ngày, phiên thảo luận Kế hoạch hành động hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp và triển lãm các sản phẩm của các nhóm khởi nghiệp trên cả nước cũng đã được diễn ra.