Tạo động lực cho phát triển sản xuất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp Thủ đô hiện đại, bền vững, TP Hà Nội tích cực đầu tư cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất, góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; giảm chi phí sản xuất, đảm bảo thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản, giúp nông dân tăng thu nhập.

Nhiều lợi ích

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trước khi có Đề án phát triển CGH nông nghiệp, toàn TP mới chỉ có 4.737 máy làm đất, 4 máy cấy, 520 máy phun thuốc BVTV, 397 máy gặt đập liên hợp. Về chăn nuôi, toàn TP có 290 máy vắt sữa cho đàn bò; 479 hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động, 105 hệ thống làm mát chuồng lợn; 636 hệ thống cho ăn, uống bán tự động cho đàn gà. Tuy nhiên, so với bình quân chung của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Hồng, tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội còn rất thấp.

 
Cơ giới hóa trong khâu gặt lúa tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Cơ giới hóa trong khâu gặt lúa tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh Hoàng Quyết

Chính vì vậy, bước sang năm 2013, cùng với việc triển khai công tác dồn điền đổi thửa, TP đã khẩn trương triển khai chương trình CGH và ban hành chính sách khuyến khích phát triển CGH, nhờ đó ngành nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều bước chuyển biến tích cực. Về trồng trọt, TP đã đầu tư 655 máy làm đất đảm bảo CGH trong khâu làm đất đạt 85,1%; 78 máy gặt đập liên hợp đảm bảo CGH trong khâu thu hoạch đạt trên 10%; 167 máy cấy, 261 máy phun thuốc BVTV. Về chăn nuôi, TP đã tập trung bổ sung thêm 480 máy vắt sữa; trang bị thêm 200 hệ thống ăn bán tự động,  uống tự động cho đàn gà; 20 hệ thống làm mát, 190 hệ thống an bán tự động, uống tự động cho đàn lợn.

Việc đưa các phương tiện CGH vào sản xuất không chỉ tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2 - 3%, hiệu quả sản xuất trung bình tăng 1,2 lần so với lao động thủ công.

Tập trung gỡ khó

Lợi ích đem lại đã rõ, song việc đầu tư cho CGH nông nghiệp ở Hà Nội còn có những khó khăn nhất định. Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa quyết liệt, ỷ lại vào TP nên chưa có các giải pháp mang tính đột phá. Thêm nữa, đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn; đội ngũ sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo bài bản nên trong vận hành còn lúng túng trong quá trình xử lý. Đặc biệt, quan hệ sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; kinh tế trang trại, kinh tế nông hộ quản lý quy mô nhỏ lẻ; hoạt động của các hợp tác xã kém hiệu quả cũng gây nên trở ngại lớn trong thực hiện CGH...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 02 của Chính phủ về công tác khuyến nông, Quyết định số 16 của UBND TP về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó khuyến khích phát triển CGH. Đặc biệt tập trung dồn điền đổi thửa tại các huyện bảo đảm hoàn thành năm 2014 có 80% diện tích đất nông nghiệp được dồn đổi, từ đó hình hành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn.