Do đó, bộ mặt nông thôn Thủ đô ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Đến nay, 100% huyện, thị xã của Hà Nội được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện NTM. TP Hà Nội tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM của cả nước.
Chủ trương sát, đúng, kết quả tích cực
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, TP Hà Nội đã chủ động vào cuộc với nhiều cách làm bài bản, sáng tạo. Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 -2025”. Chương trình có nhiều nét mới và hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa "tam nông" - nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị với quan điểm xây dựng NTM cần thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, trong nửa nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã tập trung lựa chọn đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng xây dựng đồng bộ chính sách và chỉ đạo các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị để thực hiện.
Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về xây dựng NTM, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Để chương trình đi vào thực chất, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021, cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng năm, từng địa phương, từng sở, ngành. HĐND TP Hà Nội đã ban hành các Nghị quyết bố trí vốn cho các dự án thực hiện chương trình.
Năm 2023 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XVII Đảng bộ TP, cả hệ thống chính trị Thủ đô cùng tập trung xây dựng NTM với việc phát động phong trào xây dựng NTM trong toàn dân. Trong đó, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 24-CTr/TU ngày 3/2/2023 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. HĐND TP ban hành 2 nghị quyết bố trí vốn cho các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2022 và năm 2023. Ngày 13/3/2023, UBND TP ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” TP Hà Nội đến năm 2025. Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”… Nhiều giải pháp cụ thể, khả thi để chủ động thu hút, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư đã được triển khai. Qua đó, đã động viên được sự tham gia tích cực, nhiệt tình, tâm huyết của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, DN và Nhân dân đóng góp trí tuệ, công sức vào quá trình xây dựng NTM, bức tranh NTM Thủ đô đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế khu vực nông thôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, nông nghiệp Thủ đô đã phát huy vai trò là trụ đỡ vững chắc trong thời điểm kinh tế trong nước nói chung và Thủ đô nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực nông thôn Thủ đô được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến; quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện.
Chương trình xây dựng NTM đã tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Thủ đô, sức sống mới cho nông nghiệp và nhận thức mới cho nông dân. Tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình từ năm 2021 đến quý IV/2023 là 60.341 tỷ đồng. Đến nay, TP đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM (về trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đề ra); 382/382 xã (bằng 100%) số xã đạt tiêu chí NTM (giai đoạn 2015 - 2020).
Về xã NTM nâng cao, mục tiêu của chương trình trong năm 2023, TP có tối thiểu 156 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 40% số xã của TP). Đến nay, đã có 111 xã đạt và dự kiến đến hết năm 2023 đạt thêm 72 xã (nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 183 xã), vượt chỉ tiêu của TP giao năm 2023 và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025. Về xã NTM kiểu mẫu, mục tiêu của chương trình trong năm 2023, TP có tối thiểu 80 xã thì đến nay có 20 xã đạt và dự kiến hết năm 2023 có thêm 48 xã (nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 68 xã), vượt chỉ tiêu TP giao trong năm 2023 và còn khoảng 12 xã phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.
Cùng với đó, đời sống nông dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2023 còn 0,06%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 dự kiến đạt 64,26 triệu đồng/người/năm và tăng 4,86 triệu đồng/người/năm so với năm 2022. Năm 2023, các quận, huyện, thị xã đã đánh giá và công nhận được 544 sản phẩm OCOP, trong đó 440 sản phẩm 3 sao và 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao. Dự kiến lũy kế đến hết năm 2023, TP Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm), trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Chương trình số 04-CTr/TU có 33 chỉ tiêu. Kết quả năm 2023 có 25 chỉ tiêu hoàn thành và vượt Kế hoạch năm 2023. Đối với chỉ tiêu TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đến nay có 5/8 tiêu chí hoàn thành và cơ bản hoàn thành, còn 3 chỉ tiêu (có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quản lý (chỉ số SIPAS) đạt từ 90% trở lên) UBND TP tiếp tục chỉ đạo hoàn thành trước quý III/2024.
Với chủ trương sát và trúng, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và tích cực tham gia của Nhân dân, công tác xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân của TP đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình được chuyển biến rõ rệt; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của Nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên. Thủ đô Hà Nội giữ vững “lá cờ đầu” về thành tích xây dựng NTM.
Không có điểm kết thúc trong xây dựng nông thôn mới
Với quan điểm “xây dựng NTM là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc”, khi 100% số xã và huyện của Thủ đô đã đạt chuẩn NTM, TP Hà Nội lại tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, để trả lời câu hỏi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Đại hội Hội Nông dân Việt Nam: “Làm sao để nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM, có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước, được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ của đô thị? Làm sao để nông thôn phát triển hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm và thực sự trở thành những miền quê đáng sống”.
Để làm được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành chức năng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của TP, cũng như cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo từ TP đến cơ sở cần tiếp tục rà soát, bám sát các định hướng, mục tiêu, Nghị quyết của T.Ư và TP, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, TP tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM, huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch. Năm 2024, Hà Nội đặt ra mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có thêm ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 75 triệu đồng/người/năm…
Để đạt được những mục tiêu trên, TP cần tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đảm bảo đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyên truyền xây dựng NTM để nâng cao hiệu quả, góp phần giữ vững và phát huy các tiêu chí xây dựng NTM cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu.
Đồng thời, các sở, ngành TP căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tiêu chí, chỉ tiêu được giao phụ trách, bám sát chỉ tiêu của Chương trình đến năm 2025, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, xã triển khai tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu đảm bảo theo quy định. Bố trí nguồn lực, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu của Chương trình đến năm 2025.
Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức Đoàn thẩm tra huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao. Đoàn thẩm định, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn NTM theo quy định. Định kỳ tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện chương trình tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vương mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng quy định. Các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn hiệu lực phân hạng sản phẩm OCOP. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP…
Với những kết quả vững chắc trong nửa nhiệm kỳ triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, đã góp phần nâng cao hạ tầng vùng ngoại thành, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao hơn nữa đời sống người dân, thực hiện mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua đó, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.