Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo động lực, sức sáng tạo từ tinh thần gương mẫu

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng trở thành việc làm thường xuyên, tự thân trong công việc hàng ngày của mỗi người. Đồng thời, từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên đã góp phần tạo nên hiệu ứng xã hội rộng lớn.

Đề cao trách nhiệm nêu gương

Đúng như tinh thần "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"… đã được T.Ư và Thành ủy nhấn mạnh trong các chỉ đạo về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, từng cấp ủy, đơn vị, tổ chức tại Hà Nội đã xây dựng những chương trình hành động, vận dụng vào từng lĩnh vực cụ thể trong việc học và làm theo Bác.

Cán bộ văn phòng một cửa quận Tây Hồ xác định tiêu chí lấy sự hài lòng của người dân làm “thước đo” kết quả công việc. Ảnh: Hải Linh
Cán bộ văn phòng một cửa quận Tây Hồ xác định tiêu chí lấy sự hài lòng của người dân làm “thước đo” kết quả công việc. Ảnh: Hải Linh

Trong các chuyên đề học Bác hàng năm, tinh thần nêu gương từ việc nhỏ đến việc lớn, đề cao tính tiên phong, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc của cán bộ, đảng viên, luôn là yêu cầu được quán triệt. Việc học và làm theo tư tưởng của Bác được vận dụng vào từng lĩnh vực, như chống quan liêu, thể hiện trách nhiệm, kỷ cương hành chính… Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên; nghiên cứu, xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Các cơ quan, đơn vị cũng rà soát, bổ sung, đổi mới nội dung các quy chế, quy định liên quan đến thực hiện trách nhiệm nêu gương; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xác định rõ trách nhiệm nêu gương trong học và làm theo Bác. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị thực hiện trách nhiệm nêu gương để cán bộ, đảng viên, quần chúng noi theo.

Đồng thời, ngoài gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chương trình của T.Ư, TP và các cấp ủy, mỗi năm các cấp ủy, đơn vị cũng lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, tác phong, phương pháp công tác, thực hiện nhiệm vụ chính trị để bàn biện pháp khắc phục, xử lý dứt điểm.

Trong đó, xác định tiêu chí, lấy sự hài lòng của người dân làm “thước đo” kết quả công việc của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội, tại nhiều đơn vị đã triển khai các giải pháp cụ thể để thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, làm cơ sở đổi mới toàn diện phương thức cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, dám nghĩ, dám làm, gánh vác, đảm nhận việc mới, việc khó; đẩy mạnh phát triển văn hóa xã hội, công nghiệp văn hóa, bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh…

Thấm nhuần vào thực tiễn

Chính từ tinh thần đề cao trách nhiệm nêu gương, không ít mô hình, cách làm hay trong học và làm theo Bác đã ra đời. Năm 2025, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và phương châm 3 “rõ”: rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.

Phát huy những thành quả đạt được và kinh nghiệm đã có, các cấp, ngành đang thể hiện quyết tâm trong tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, để đồng hành với cả nước bước vào Kỷ nguyên phát triển mới.

Lãnh đạo TP đã nhấn mạnh yêu cầu về đổi mới tư duy, phương pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và quản lý, điều hành theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; bám sát thực tiễn, lấy người dân và DN làm chủ thể, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Các cấp, ngành chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, cải cách triệt để thủ tục hành chính; khẩn trương thực hiện và sớm hoàn thành công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chủ trương của Đảng và quy định pháp luật...

Để góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn…, trong năm 2025, việc học và làm theo gương Bác tiếp tục được các đơn vị thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ "học tập" sang "làm theo".

Đồng thời, gắn với trách nhiệm nêu gương, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, nhiều đơn vị còn đặc biệt nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, tác phong công tác, bảo đảm gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Đây là những cơ sở, nền tảng quan trọng để TP thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bứt phá trong năm cuối nhiệm kỳ.