Bổ sung chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa
Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số, cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai, hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới. Tuy nhiên, đối với chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, bên cạnh các chính sách ưu đãi, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng; đặc biệt, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm - vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi - vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin.
Công nghiệp công nghệ số là một ngành cần sử dụng nhiều tài nguyên, hóa chất và tác động lớn đến môi trường. Chính vì vậy, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ mang tính đặc thù, vượt trội - cần đi kèm với các cam kết, nghĩa vụ - đặc biệt về bảo vệ môi trường. Cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về xử lý, thu hồi các sản phẩm bị đào thải trong công nghiệp công nghệ số - buộc các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số phải chấp hành nghiêm các quy định về môi trường; sử dụng năng lượng xanh, sạch, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên - góp phần phát triển bền vững công nghiệp công nghệ số.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) nêu thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng gần 1/2 tổng số lao động và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo, điện - điện tử và công nghệ thông tin.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa. Theo đó, cần quy định cụ thể các chính sách ưu đãi: hỗ trợ về thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính: thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định, việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng.
Bên cạnh các chính sách phát triển dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước, bảo đảm cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “make in Việt Nam”.
Tạo điều kiện phát triển trí tuệ nhân tạo
Thảo luận về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về trí tuệ nhân tạo trong Dự thảo Luật là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra với tốc độ rất nhanh với nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Trong đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, việc quy định về trí tuệ nhân tạo trong Dự thảo Luật là rất cần thiết. Hiện nay việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng và có những lợi ích nhưng cũng tồn tại rất nhiều vấn đề.
“Vì vậy, các quy định trong Dự thảo Luật cần phải bảo đảm nguyên tắc vừa khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng cũng vừa phải phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đúng định hướng. Riêng đối với việc phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo theo mức độ rủi ro 3 cấp, đại biểu đề nghị cần làm rõ mục đích của việc phân loại này” - đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu quan điểm.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị trong Dự thảo Luật cần có quy định yêu cầu nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo phải thực hiện đánh giá tác động đến quyền riêng tư trước khi triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là đối với những hệ thống có rủi ro cao.
Liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số (Điều 17), đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ trách nhiệm của Bộ Thông tin & Truyền thông, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số.
Ngoài ra, nghiên cứu, quy định cụ thể tại Dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định: Trường hợp nào thì tạm đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số; Trường hợp nào thì đình chỉ giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số; Trường hợp nào thì thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số và Thời hạn tạm đình chỉ, thời hạn đình chỉ giấy chứng nhận về công nghiệp công nghệ số.