Tạo đột phá phát triển công nghệ cao
Kinhtedothi - Luật Thủ đô 2024 đã mở ra không gian pháp lý và cơ chế đặc thù để Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghệ cao – lĩnh vực then chốt trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững. Từ việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, mở rộng quyền tự quyết cho TP Hà Nội đến việc cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm… những quy định mới được kỳ vọng sẽ biến Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.
Vẫn còn nhiều tiềm năng cần khai thác
Thông tin từ Bộ KH&CN, thời gian qua, để phát triển các sản phẩm mang tính công nghệ cao, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 108 dự án đầu tư (bao gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều DN quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...

Giới thiệu sản phẩm công nghệ cao tại Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù đã thu hút được DN đầu tư nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ cao nhưng tỷ lệ lấp đầy trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn khá khiêm tốn... Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) Lê Quốc Phương phản ánh, mặc dù là khu công nghệ cao nhưng mô hình quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển. Thêm vào đó, các cơ chế thu hút DN đầu tư vào khu công nghệ cao chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường. Trong khi các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian theo quy định.
Không chỉ có vậy, TP Hà Nội trong quá trình thu hút các chuyên gia đến làm việc tại khu công nghệ cao chưa có các chính sách chế độ đãi ngộ cao cấp. Ngoài ra, các nhà đầu tư thường có nhu cầu được xây dựng dự án trên khu đất liền khoảnh thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Nhìn nhận những khó khăn trong quá trình phát triển khu công nghệ cao, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp TP Hà Nội Vũ Xuân Hùng thông tin, khác với khu công nghiệp bình thường, các khu công nghệ cao được định hướng trở thành những đô thị khoa học và công nghệ thông minh tạo tiềm năng dư địa phát triển trong tương lai. Tuy nhiên đây cũng là điểm khó đối với một số DN, kể cả các tập đoàn lớn khi mà họ chỉ muốn tập trung đầu tư vào sản xuất mà không quan tâm đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó mô hình quản lý vẫn chưa có nền tảng pháp lý vững chắc, chưa theo kịp tốc độ phát triển các khu công nghệ cao; chưa có một cơ chế hợp tác, liên kết rõ nét với vai trò điều phối của bộ chủ quản trong công tác quản lý Nhà nước theo một chiến lược phát triển các khu công nghệ cao chung trên bình diện quốc gia.
Bước đột phá cho Hà Nội
Theo các chuyên gia kinh tế, Luật Thủ đô 2024 cho phép TP Hà Nội được quyền quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho TP Hà Nội khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các khu công nghệ cao.
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương Đinh Thị Bảo Linh nêu rõ , trong Điều 24 Luật Thủ đô đã phân quyền cho TP Hà Nội được tự quyết trong việc xây dựng, phát triển khu công nghệ cao phù hợp thực tế, qua đó giúp cho khu công nghệ cao có nhiều hơn nữa cơ hội phát triển. Khoản 2 Điều 24 Luật Thủ đô 2024 xác định vị trí đặc biệt của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là nơi nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, việc công nhận Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc là tổ chức hành chính thuộc UBND TP thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghệ cao cũng là một đột phá, tạo cơ sở cho Ban Quản lý chủ động điều hành khu công nghệ cao. “Luật Thủ đô 2024 cũng quy định các chính sách đặc thù áp dụng đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã tạo cơ sở pháp lý thu hút các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao đầu tư, nghiên cứu, sản xuất”- bà Đinh Thị Bảo Linh nêu rõ.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh nêu rõ, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định bố trí vốn ngân sách của TP Hà Nội hỗ trợ khu công nghệ cao xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê. Cùng với đó, cho phép ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi riêng, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao. Tại Điều 43 về ưu đãi đầu tư, Luật Thủ đô 2024 đã quy định, các DN có hoạt động đổi mới sáng tạo và DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực ưu tiên của TP Hà Nội được hưởng nhiều ưu đãi thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân. “Những ưu đãi này sẽ tạo sức hút DN, nhà khoa học, chuyên gia đến đầu tư, nghiên cứu sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc”- ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Dưới góc độ chuyên gia, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, nhìn nhận, Hà Nội là nơi tập trung những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, đây chính là cơ sở, tiềm năng để Thủ đô dựa vào khoa học - công nghệ phát triển mang tính đột phá. Vì vậy, Luật Thủ đô 2024 đã tạo cơ sở pháp lý cho phép Hà Nội sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghệ AI, nghiên cứu công nghệ bán dẫn... Đồng thời tập trung vào việc xây dựng khu vực lắp ráp và hướng tới sẽ xây dựng được khu vực sản xuất.
Cùng với đó, Hà Nội cũng tập trung vào phát triển những ngành nghề thế mạnh như các di sản văn hóa, làng nghề, khu vực sản xuất thủ công mỹ nghệ... Trong định hướng của Luật Thủ đô 2024 cũng cho phép sử dụng công nghệ để nâng tầm di sản thành những sản phẩm công nghệ then chốt để lan tỏa cho các tỉnh khác”. Chính những quy định này sẽ tạo cho Hà Nội đóng vai trò là “đầu tàu” dẫn dắt, lan tỏa công nghệ cao tới các tỉnh thành trong quá trình phát triển”- GS.TS Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Phản ánh từ các DN đang đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho thấy, để hỗ trợ DN nghiên cứu phát triển công nghệ cao, tại Điều 36 Luật Thủ đô 2024 đã cho phép TP Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước, từ đó hỗ trợ thúc đẩy DN sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Quỹ đầu tư mạo hiểm bên cạnh việc bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP Hà Nội còn được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Với những cơ chế, chính sách mới có tính đột phá và mang tính ưu đãi Luật Thủ đô 2024 sẽ giúp TP Hà Nội tạo ra được cơ chế đặc thù, thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời góp phần tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho khoa học công nghệ có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc.
Trích dẫn
Luật Thủ đô 2024 với nhiều chính sách khuyến khích đã tạo cơ hội cho ngành công thương Hà Nội phát triển khu công nghệ cao trở thành “ đầu tàu” phát triển kinh tế của Hà Nội và cả nước.

Chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ tại Hà Nội: nên có phương thức linh hoạt khoán sản phẩm đầu ra
Kinhtedothi-Nêu ý kiến phản biện đối với Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội, các chuyên gia đề xuất nên có phương thức khoán sản phẩm đầu ra một cách linh hoạt, giúp nâng cao tính hiệu quả.

Cao Bằng: giải pháp triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Kinhtedothi - Ngày 11/7, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Quản Minh Cường chủ trì hội nghị.

Đắk Lắk: quyết tâm tạo đột phá từ khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Kinhtedothi- Chiều 10/7, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk tổ chức Phiên họp thứ nhất và công bố 4 nền tảng số phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp.