Chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao
Với mục tiêu đánh giá, tuyển chọn được những giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng tốt, từ đó lựa chọn để đưa vào sản xuất đại trà, Trung tâm đã tiến hành thí nghiệm đánh giá tập đoàn và chọn dòng các giống lúa thuần chất lượng cao. Kết quả, đã xác định được một số giống có tiềm năng cho năng suất cao đạt trên 70 tạ/ha gồm: ĐHS 15, HN 01, HN 17, HN 18, HN 02. Bên cạnh đó, Trung tâm tiến hành khảo nghiệm 13 giống lúa chất lượng, đã xác định được các giống lúa mới có triển vọng gồm: TBR225, ĐHS15, VNR20, ĐH12, Tân ưu 98, Gia lộc 35. Các giống lúa này đều có những đặc tính ưu việt như chống đổ tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh hại chính và cho năng suất cao. Khảo nghiệm sản xuất, sản xuất thực nghiệm giống lúa mới, Trung tâm đã lựa chọn được một số giống có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất lúa tại Hà Nội là ĐHS15, VNR20, Bắc thơm kháng bạc lá và đề xuất bổ sung giống lúa Tân ưu 98 vào cơ cấu giống lúa của Hà Nội năm 2021.
Thực nghiệm sản xuất đậu tương giàu Protein, Trung tâm đánh giá giống ĐT34 có tiềm năng suất cao, cho hiệu quả kinh tế đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản xuất đậu tương thông thường từ 17 – 18 triệu đồng. Cùng với đó, Trung tâm thực hiện thực nghiệm trên một số giống rau quả (Dưa chuột, cà chua, rau muống, rau cải các loại...). Sản phẩm đã được đánh giá phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, cho hiệu quả kinh tế đạt trên 440 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, Trung tâm đã thử nghiệm sản xuất giống nấm sò nâu, cho hiệu quả kinh tế đạt từ 30 - 32 triệu đồng/5 tấn nguyên liệu. Ngoài ra, Trung tâm cũng lựa chọn được 2 giống hoa Lily mới chất lượng hoa cao, đạt hiệu quả từ 900 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm. Cả 2 giống hoa này đều thích ứng tốt với điều kiện sinh thái và được đề xuất bổ sung vào cơ cấu giống của TP.Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là khâu then chốtNhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, năm 2020, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm, thực nghiệm trên nhiều giống cây trồng mới, với những mô hình hiệu quả như: Duy trì chăm sóc vườn mẫu và vườn cây đầu dòng; ghép cải tạo nhãn; thực nghiệm sản xuất một số giống măng tây; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nhãn; thực nghiệm sản xuất giống bưởi trên giá thể sơ dừa với quy mô; xác định giống chuối Nam Mỹ có triển vọng đưa ra sản xuất đại trà. Đặc biệt, một số mô hình dù mới thử nghiệm sản xuất lần đầu đã cho hiệu quả kinh tế ấn tượng như: Sản xuất cây xuyên tâm liên đạt 600 triệu đồng/2,5ha/năm; sản xuất giống cỏ ngọt đạt 450 triệu đồng/2ha/năm; sản xuất cây gai xanh đạt 160 triệu đồng/2ha/năm; sản xuất bưởi hữu cơ đạt 700 - 950 triệu đồng/ha/năm.Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, vượt khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, Trung tâm đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác khảo nghiệm, thực nghiệm và sản xuất giống cây trồng. Nhiệm vụ này luôn được đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhận viên, kỹ thuật viên của Trung tâm nghiêm túc, sáng tạo thực hiện nhằm đánh giá, lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội và canh tác của nông dân. Đồng thời, lựa chọn phương pháp canh tác, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô tiên tiến, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.
"Trung tâm tiếp tục tham mưu với Sở NN&PTNT đề xuất TP quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và cung ứng giống cây trồng công nghệ cao nhằm cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn theo quy định. Từ đó, làm cơ sở cung cấp cho vùng sản xuất hàng hóa nông sản của TP, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. " - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa |