Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Tạo dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu then chốt, đột phá trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định về vấn đề này để phù hợp với thực tiễn.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2022
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2022

Nhiều chính sách trọng dụng nhân tài

Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những mục tiêu rất cao cho Thủ đô. Theo đó, tới năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển Thủ đô ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định.

Nghị quyết cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô. Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo quy định.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch và phát huy nhân tài đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Sau khi vào các cơ quan nhà nước, TP sẽ có các chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình trong nước và ngoài nước…

Để đạt được mục tiêu đề ra, vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng nhân tài là khâu then chốt, đột phá. Vì thế, nhiều ý kiến gửi tới Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức tại Hà Nội mới đây đều cho rằng, Dự thảo Luật cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về vấn đề này cho phù hợp với nhiệm vụ của Thủ đô.

Cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Như Phát (Đại học Hòa Bình) cho biết, vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, và Hà Nội đã triển khai thực hiện hiệu quả. Cụ thể, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Trước đó, ngày 19/6/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế tuyên dương, khen thưởng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội.

Hằng năm, Thủ đô Hà Nội tiến hành tuyên dương, khen thưởng các thủ khoa xuất sắc
Hằng năm, Thủ đô Hà Nội tiến hành tuyên dương, khen thưởng các thủ khoa xuất sắc

Với những cơ chế, chính sách trên, nhiều chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, có sáng kiến, công trình, giải pháp mang tính đột phá được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển vào công chức, viên chức. Hằng năm, Thủ đô cũng tiến hành tuyên dương, khen thưởng các thủ khoa xuất sắc. Tính đến năm 2022 đã có 2.067 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô được tuyên dương, ghi danh vào Sổ vàng truyền thống.

Ngoài ra, Hà Nội còn tuyên dương, khen thưởng chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước với hình thức tặng bằng khen, ghi danh trong Sổ vàng truyền thống của thành phố và phần quà có trị giá bằng 10 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm tuyên dương.

Theo PGS.TS Nguyễn Như Phát, việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài được căn cứ vào bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm cụ thể. Đây là cơ sở quan trọng để xác định trình độ, kỹ năng cần có khi tuyển dụng, cũng như đánh giá hiệu quả công việc thực tế công tác. Trên cơ sở đó, cần ban hành quy định pháp luật về nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài; tiêu chí về năng lực trình độ, năng lực thực tế.

Cùng với đó, tùy theo yêu cầu công việc cụ thể, Hà Nội phải xây dựng bản mô tả công việc chi tiết, đặc thù với các kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất, nhất là năng lực đặc biệt, vượt trội; phẩm chất, ý chí thể hiện qua sức sáng tạo, niềm tin, khát vọng được cống hiến, đóng góp cho xã hội. Thậm chí, nhân tài phải có đề án khả thi, kế hoạch phát triển bản thân để giải quyết công việc.

Theo TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, từ năm 2013 đến nay, HàNội đã tiếp nhận 55 thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP; tuyển dụng đặc cách đối với 77 vận động viên xuất sắc đoạt huy chương tại giải thi đấu thể thao quốc tế, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành văn hóa - thể thao thành phố.

Dù Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, song chưa thực sự đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài trong nước và trên thế giới về Thủ đô làm việc. Trong khi đó, việc thực hiện Khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô hiện nay và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, phạm vi đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế. Số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao chủ yếu là thông qua bằng cấp mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt là chưa thu hút được các nhóm đối tượng như chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... trong và ngoài nước, nhất là các chuyên gia giỏi quốc tế do chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp.

Cách nào để tiếp cận, thu hút nhân tài?

Theo TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong lần sửa đổi Luật Thủ đô lần này cần nghiên cứu mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút, theo đó không chỉ khoanh vùng là “nhân tài” và trong lĩnh vực khoa học công nghệ như quy định hiện hành mà mở rộng hơn. Việc thu hút và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng cả nguồn lực trong và ngoài nước để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này. Chính sách này có ý nghĩa lớn trong việc phát huy sức mạnh tri thức của toàn dân tộc, bổ sung tri thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với nhân tài. Cụ thể là, tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh được quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô, thành phố được sử dụng ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Các chính sách này phải hướng tới việc tạo môi trường làm việc tốt, bảo đảm nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài.

“Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng gắn với tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính bền vững. Như vậy, không chỉ chú trọng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong khu vực công mà khi đã vào làm việc, họ có cơ hội tốt tiếp tục học tập, nâng cao năng lực trình độ để phát huy năng lực của bản thân, bắt kịp các xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội” - TS Đoàn Trung Kiên nêu quan điểm.

Trong khi đó, TS Bùi Xuân Phái (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, phương châm trong việc thu hút, sử dụng nhân lực có chất lượng cao, người có tài năng cần phải gắn với mục tiêu và tầm nhìn xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong đó, phải đặt vấn đề thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao, người có tài năng trong quan hệ với tất cả các nội dung khác có liên quan được xác định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); xuất phát từ tình hình thực tế; kế thừa kinh nghiệm quốc tế và lịch sử dân tộc và cần coi đây là một chính sách đặc biệt.

Theo đó, cần có một khảo sát hoặc điều tra xã hội học về tình hình sinh viên tốt nghiệp ra trường - nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, đặc biệt là những đối tượng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Khảo sát này cần chú trọng các nội dung về số lượng, về nhu cầu (của xã hội và của chính sinh viên), về tâm lý trong cống hiến, phục vụ, về mức thu nhập, khả năng sắp xếp vị trí việc làm, về cơ hội thăng tiến, cơ hội được phát triển, trong đó có cả cơ hội được đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao. Việc khảo sát này cần đặt trong tương quan so sánh với lĩnh vực tư. Trên cơ sở kết quả điều tra, có thể tiến hành điều chỉnh đồng bộ các quy định của pháp luật về chính sách này.

Ngoài ra, TS Bùi Xuân Phái đề xuất Thủ đô cần có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, giải quyết các thách thức và những nhiệm vụ cấp bách ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Do vậy, cơ quan tuyển dụng cần triển khai những biện pháp tìm mọi cách thu hút, giữ lại những sinh viên tài năng hàng đầu từ các trường cao đẳng, đại học trong nước và quốc tế. Các nhà quản lý và tuyển dụng tìm hiểu kỹ lưỡng về thế mạnh chuyên ngành của trường, sinh viên sáng giá nhất, mời họ vào thực tập tại các cơ quan nhà nước, khảo sát về lý tưởng sự nghiệp, kế hoạch sau khi tốt nghiệp, mục tiêu của tương lai, mong muốn về thu nhập; từ đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Đây là cách tốt để tiếp cận, thu hút nhân tài, nếu vị trí công việc, điều kiện và môi trường cũng như đãi ngộ đủ hấp dẫn.