Với 3.600ha lúa hàng hóa chất lượng cao, cho sản lượng 18.720 tấn, vụ Mùa 2012 này, sản xuất lúa hàng hóa của Hà Nội đã đem lại hiệu quả kinh tế hơn 68 tỷ đồng, tăng so với sản xuất lúa thường (Khang dân) 40,5 tỷ đồng. Sản xuất lúa hàng hóa của Hà Nội đang bắt đầu bằng những bước đi vững chắc, tạo triển vọng lớn cho thương hiệu "Gạo Hà Nội".
Sản xuất lúa hàng hóa ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thắng Văn
Chất lượng, hiệu quả
Vụ Mùa 2012, HTX Nông nghiệp (NN) Tri Lai, xã Đồng Thái, Ba Vì tổ chức gieo cấy 150ha lúa hàng hóa RVT tại các xứ đồng Cù Nông, Ma Tròn, Đồng Pheo, Ngỡn Hồ, Ao Dảnh, Đồng Am… với quy mô 830 hộ dân. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống lúa và 30% vật tư phân bón, đồng thời được dự các lớp đào tạo kỹ thuật sản xuất lúa do Trung tâm Giống cây trồng sản xuất. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa đã cho thu hoạch, năng suất lúa ước đạt 55,6 tạ/ha, sản lượng đạt 556 tấn. Ông Phùng Quốc Lượng, Chủ nhiệm HTX NN Tri Lai cho biết: Sản xuất lúa hàng hóa (giống lúa thơm RVT) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống lúa cũ (Khang dân) là 15,2 triệu đồng/ha, góp phần tạo hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân trong xã.
Theo Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, vụ Mùa năm 2012, Trung tâm đã chọn được 31 xã và HTX của 10 huyện, với quy mô 3.600ha để triển khai mô hình. Trong quá trình triển khai, Trung tâm phối hợp với các xã, HTX tổ chức được 25 lớp huấn luyện kỹ thuật trồng lúa, chăm sóc và chế biến cho 28.000 lượt cán bộ, nông dân trực tiếp tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo liên kết 4 nhà, mời các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia. Kết quả là, đã có 5 doanh nghiệp tham gia cung ứng 234 tấn giống lúa chất lượng cao đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước; 6 doanh nghiệp tham gia cung ứng 3.528.000 tấn phân bón trả chậm cho nông dân.
Thắt chặt liên kết
Tuy đạt được những thành công bước đầu, song vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, việc sản xuất lúa hàng hóa ở Hà Nội còn có những tồn tại cần khắc phục.
Trước hết, theo ông Nguyễn Bá Sướng, quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa ở một số điểm còn chưa tập trung. Việc chọn giống sản xuất, thực nghiệm so sánh giống, bón phân, chăm sóc còn có HTX chưa đảm bảo yêu cầu quản lý, kỹ thuật. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, máy móc thiết bị làm đất, thu hoạch, công nghệ phơi, sấy và bảo quản chưa đồng bộ. Khâu chăm sóc, bón phân chưa cân đối; người dân còn lạm dụng phân hóa học, nhất là sử dụng phân đạm, bón lai rai, tạo điều kiện thuận lợi cho rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bạc lá phát sinh gây hại. Công tác kiểm tra, dự tính, dự báo phát hiện sâu bệnh hại của cán bộ kỹ thuật và các HTX chưa kịp thời, còn chủ quan… Ngoài ra, theo ông Đoàn Đình Thắng, Chủ tịch UBND xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, một khó khăn nữa trong sản xuất lúa hàng hóa ở các địa phương là ruộng đất manh mún, người dân còn khó nắm bắt khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, việc liên kết 4 nhà vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Các doanh nghiệp, HTX mới chỉ dừng lại ở việc cung ứng giống, vật tư, phân bón… mà chưa giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. Ông Thắng đề nghị, các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, liên kết để tìm hướng tiêu thụ lúa cho bà con nông dân.
Dự kiến, năm 2013, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội sẽ phát triển diện tích lúa hàng hóa tại 37 điểm của 12 huyện, với quy mô 8.000ha; đồng thời xây dựng được 3 - 4 nhãn hiệu "Gạo Hà Nội". Để hoàn thành mục tiêu này, Trung tâm đã đề nghị UBND TP và Sở NN&PTNT sớm phê duyệt kế hoạch và thẩm định dự toán; các địa phương phối hợp tốt với Trung tâm trong công tác quản lý, chỉ đạo chương trình.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã đạt được 3 mục tiêu lớn, đó là: Năng suất, chất lượng, hiệu quả; Đáp ứng được mục tiêu của Chương trình 02/CTTU ngày 31/10/2008 của Thành uỷ Hà Nội về phát triển nền kinh tế nông nghiệp đô thị; Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông Nguyễn Bá Sướng Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội |