Tạo dựng trục không gian kết nối đô thị lịch sử và đô thị vệ tinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch phân khu đô thị H2 - 1 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt với...

Kinhtedothi - Quy hoạch phân khu đô thị H2 - 1 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt với định hướng là trung tâm hành chính - văn hóa, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, giáo dục, du lịch, thể thao và giải trí chất lượng cao của Hà Nội.

Đây là phân khu hứa hẹn sẽ có sự phát triển mang tính “bùng nổ” với các công trình lớn, cao tầng, các trung tâm đa chức năng, góp phần giảm tải cho khu vực nội đô.
Theo quy hoạch phân khu đô thị H2 - 1, trục không gian Hồ Tây sẽ kết nối với các công trình trọng điểm.  	Ảnh:  Xuân Chính
Theo quy hoạch phân khu đô thị H2 - 1, trục không gian Hồ Tây sẽ kết nối với các công trình trọng điểm. Ảnh: Xuân Chính
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, phân khu đô thị H2 - 1 có diện tích khoảng 2.453ha chia thành 7 khu quy hoạch với 17 ô quy hoạch để kiểm soát phát triển. Từ quy mô dân số hiện trạng là 166.000 người, đến năm 2030 tại đây sẽ có khoảng 214.000 người, đến năm 2050 khoảng 249.000 người. Phân khu H2 - 1 thuộc địa giới hành chính các phường: Phú Thượng, Xuân La - quận Tây Hồ; Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Quan Hoa, Mai Dịch - quận Cầu Giấy; Thụy Phương, Đức Thắng, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Xuân Tải, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Phú Diễn - quận Bắc Từ Liêm.
Phân khu đô thị H2 - 1 có ranh giới xác định: phía Bắc giáp đê sông Hồng (đường An Dương Vương); phía Đông giáp đường Vành đai 2 và Lạc Long Quân; phía Nam giáp phân khu H2 - 2 (đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu); phía Tây giáp phân khu GS (hành lang xanh sông Nhuệ).

Nằm trong khu vực nội đô mở rộng, tại phân khu sẽ hình thành trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, tài chính hướng Hồ Tây. Ưu tiên phát triển các chức năng về du lịch, giải trí, khách sạn và hội nghị, các trụ sở cơ quan làm việc của bộ, ngành T.Ư, các viện nghiên cứu và các chức năng chuyên ngành quy mô lớn theo mô hình hiện đại, cao tầng, đa chức năng. Tại phân khu sẽ thiết lập các trung tâm dịch vụ đa chức năng quy mô lớn trên các tuyến giao thông chính như đường Phạm Văn Đồng, trục Tây Thăng Long, đường Hoàng Quốc Việt.

Đáng chú ý, quy hoạch phân khu đô thị H2 - 1 đã xác định rõ các khu vực trọng tâm. Theo đó, trục không gian trung tâm Tây Hồ Tây kết nối không gian cảnh quan lớn từ Hồ Tây với các công trình trọng điểm như Tháp Truyền hình, Nhà hát Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là trục không gian chủ đạo của phân khu H2 - 1 và Hà Nội, nơi tập trung các chức năng công cộng cấp quốc gia và TP, công trình văn hóa, thương mại, dịch vụ - tài chính, quảng trường.
Phân khu đô thị H2-1.
Phân khu đô thị H2-1.
Trục Hồ Tây - Ba Vì là trục không gian cảnh quan kết hợp với giao thông đô thị, tạo kết nối giữa khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình - đô thị lịch sử và đô thị vệ tinh, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa cho Thủ đô và quốc gia. Đoạn qua phân khu đô thị H2 - 1 là đoạn tuyến thuộc khu vực nội đô mở rộng, phần lớn quỹ đất hai bên đã được đầu tư xây dựng, vì vậy tại khu vực này về lâu dài cần định hướng phát triển cải tạo không gian, kiến trúc cảnh quan hai bên đường theo hướng cao tầng.

Với trục Tây Thăng Long, một trong các trục giao thông xương sống của quận Bắc Từ Liêm và cũng chính là trục phát triển kinh tế - xã hội, kết nối khu vực Tây Hồ Tây - Đan Phượng - Sơn Tây, vì vậy, quy hoạch đã xác định việc tổ chức không gian hai bên trục phải được gắn với các không gian mở, các công trình công cộng, thương mại - dịch vụ với quy mô và tầng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của khu vực. 

Để tạo cảnh quan và khai thác triệt để quỹ đất, cùng với việc bố trí các công trình cao tầng trên một số trục đường giao thông cấp đô thị, tại các điểm giao cắt như: Vành đai 3 và Hồ Tây - Ba Vì, Vành đai 2 đoạn khu đô thị Nam Thăng Long, cụm công trình nhà ở, công trình công cộng tại khu đô thị Nam Thăng Long… cũng là những vị trí dành cho các công trình lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần