Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo dựng văn hóa đi bộ

Bài, ảnh: Minh Trí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi bộ là một trong những biện pháp nhằm giảm thiểu UTGT, ô nhiễm môi trường.

Thế nhưng thực tế, những người đi bộ lại dễ bị rủi ro nhất. Bởi, ngoài yếu tố khách quan còn có lỗi của chính người đi bộ.

Vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân

Để bảo đảm ATGT, trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp như xây dựng cầu, hầm, làn đường dành riêng, hay đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ. Đặc biệt, từ đầu năm 2017, cùng với cả nước, TP Hà Nội đã đẩy mạnh chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Và đến thời điểm này, công tác đảm bảo trật tự ATGT cho người đi bộ đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề nóng, làm đau đầu các đơn vị quản lý, bởi phần lớn các giải pháp đã thực hiện vẫn mang tính đơn lẻ. Thậm chí, chưa có sự khảo sát, phân tích đầy đủ về hành vi giao thông, sự rủi ro mà người đi bộ đang phải đối mặt, nên hiệu quả chưa cao.

Bỏ qua sự tồn tại của cầu bộ hành, nhiều người vẫn thản nhiên di chuyển dưới lòng đường. (ảnh chụp tại phố Chùa Bộc, đoạn qua Học viện Ngân hàng)

Theo một số chuyên gia, ngoài những bất cập về hạ tầng, ý thức, sự chủ quan của một bộ phận người đi bộ chính là một trong những nguyên nhân khiến số vụ TNGT liên quan diễn biến phức tạp. Vụ tai nạn xảy ra trưa 20/8 vừa qua trên phố Xã Đàn là một ví dụ điển hình. Cụ thể, khoảng thời gian trên, 2 cô gái sang đường không đúng nơi quy định đã bị một chiếc xe máy chạy với tốc độ cao đâm phải, khiến một cô gái bị chấn thương vùng đầu chảy máu, một người bị gãy răng. Trước đó, ngày 3/3/2014, cũng trên tuyến đường này, một nữ sinh khi sang đường sai quy định đã bị ô tô BKS 29U - 4036 đâm phải khiến bị thương rất nặng.

Tình trạng người đi bộ vi phạm các quy định về trật tự ATGT vẫn diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như phố Chùa Bộc, đoạn qua Học viện Ngân hàng, mặc dù các lực lượng chức năng đã bố trí cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường, nhưng nhiều người vẫn cố tình di chuyển dưới lòng đường, băng cắt, tạt đầu các dòng phương tiện gây cản trở, mất ATGT. Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra trên nhiều tuyến đường như Phạm Hùng, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng…

Xây dựng ý thức

Theo một số chuyên gia, để hạn chế thấp nhất những rủi ro TNGT đối với người đi bộ, các cơ quan chức năng cần tăng tính tiếp cận của các hệ thống giao thông, đảm bảo tất cả người dân đều có thể sử dụng tốt và góp phần tăng tính hòa nhập xã hội. Cùng đó, cần thiết kế và quản lý tốt không gian đi bộ; nâng cao tính tích hợp của mạng lưới đi bộ tạo được sự kết nối trực tiếp, dễ dàng, tạo được sự an toàn, thoải mái, hấp dẫn và đặc biệt là tạo ra sự liên kết giữa các địa điểm; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tại các điểm tập trung đông người đi bộ cũng như trên đường, để từng bước tạo dựng thói quen và hình thành văn hóa đi bộ của người dân.

Thực tế cho thấy, mặc dù nhiều biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo ATGT cho người đi bộ đã được triển khai, song nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của các lực lượng chức năng vẫn chưa đủ. Trong nhiều vụ tai nạn, nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan của người đi bộ. Tại nhiều vụ việc, không ít người tự cho rằng, dù sang đường sai quy định nhưng phía trước bảo đảm an toàn, chính điều này khiến tình trạng mất ATGT ở người đi bộ tăng cao. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là người đi bộ phải tự có ý thức bảo vệ chính mình. Bởi, dù các lực lượng chức năng có quyết liệt đến đâu, nhưng ý thức của người đi bộ không được cải thiện thì mọi nỗ lực cũng sẽ như muối bỏ bể.

Theo kết quả điều tra của Ủy ban ATGT Quốc gia vào năm 2016, 33% học sinh đi bộ trả lời rằng chưa được học cách đi bộ an toàn. Hàng năm, số người thiệt mạng do TNGT liên quan đến người đi bộ chiếm khoảng 14%, riêng tại Hà Nội từ 15 - 20%.