Tạo dựng vườn ươm tài năng sáng tạo

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hà Nội đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy môi trường văn hóa, sáng tạo nhưng vẫn cần một nền tảng có thể kết nối, hội tụ và lan toả tiềm năng to lớn của giới trẻ để thiết kế tương lai của TP.

Những ý kiến được Đại diện UNESCO tại Hà Nội đưa ra tại Hội thảo “Xây dựng Trung tâm Thiết kế Sáng tạo – Kinh nghiệm từ các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực”.

Đủ tiềm năng, lợi thế

Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới Các Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) ở lĩnh vực Thiết kế. Sau ba năm thực hiện những sáng kiến nhằm thúc đẩy Thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, hiện nay, TP Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo trên địa bàn Thủ đô với mục tiêu tạo ra một Trung tâm ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng của các nhà thiết kế trẻ và thúc đẩy hợp tác quốc tế, từng bước thực hiện một trong số các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Không gian sáng tạo Complex 01.
Không gian sáng tạo Complex 01.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Hà Nội đang là một trong những TP có cơ cấu dân số vàng, cùng cộng đồng sáng tạo đông đảo gồm các nhà thiết kế, các nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân sáng tạo. Hà Nội có đầy đủ tiềm năng, lợi thế, trở thành vườn ươm, nơi hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu.

Đánh giá cao việc thực hiện các cam kết của Hà Nội khi tham gia UCCN, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart cho hay: Kể từ khi tham gia UCCN vào năm 2019, Hà Nội đã thể hiện cam kết vững chắc trong việc thực hiện tầm nhìn là Thủ đô Sáng tạo và tăng cường phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo của TP và đất nước.

Nhiều thành viên của UCCN (mạng lưới TP sáng tạo) ở châu Á đã thiết lập thành công các mô hình trong cộng đồng của họ để tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy đổi mới và phát triển. Tôi ý thức rằng việc phát triển và quản lý một trung tâm sáng tạo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trên thực tế, đó là một quá trình từ xác định vị trí, thiết kế xây dựng và tổ chức những hoạt động để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững.

Kinh nghiệm từ các Thành phố sáng tạo

Tại hội thảo, đại biểu đại diện các TP sáng tạo của các nước như Indonesia, Hàn Quốc, Singapore… đã tập trung chia sẻ về quá trình xây dựng, hình thành các Trung tâm thiết kế sáng tạo của các TP; Tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, hoạt động của Trung tâm thiết kế sáng tạo; Kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thường niên, các sự kiện theo mùa, các kết quả đã được thực hiện; Nguồn kinh phí cho các hoạt động của Trung tâm.

Mẫu thiết kế sáng tạo làm từ đồ tái chế.
Mẫu thiết kế sáng tạo làm từ đồ tái chế.

Theo Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon: Từ 2004, UNESO đã có hệ thống mạng lưới  các TP sáng tạo trên toàn thế giới. Họ thành lập mạng lưới này quy tụ các TP coi sáng tạo như trọng tâm trong phát triển của mình. Ví dụ ở Pháp, TP Lyon lựa chọn lĩnh vực sáng tạo ở tiêu chí nghệ thuật; Cannes là Điện ảnh, các TP khác theo tiêu chí về văn học, âm nhạc và thiết kế. Có thể nói 70 tiêu chí về Thành phố Sáng tạo, Pháp đều có TP đại diện.

Trong quá trình phát triển lĩnh vực văn hoá sáng tạo, ông Thierry Vergon chia sẻ: “Chúng tôi xác định lấy người dân làm trung tâm, cũng như chú trọng tương tác, liên kết với các TP, các cộng đồng sáng tạo khác. Từ kinh nghiệm này cho thấy, cần kết hợp cả 3 yếu tố cùng lúc, không nên tách riêng lẻ. Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh hình ảnh Hà Nội cần được quảng bá rộng hơn nữa”.

Đến từ một quốc gia Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, TS Dwinita Larasati, Tổng Thư ký, một trong những người sáng lập Diễn đàn Thành phố Sáng tạo Bandung, Indonesia chia sẻ: Là nơi tập hợp nhiều trường đại học, TP chú trọng tận dụng nguồn lực trẻ cho thúc đẩy sáng tạo. Nhiều sinh viên đã xây dựng thương hiệu riêng của mình ngay từ khi còn trên ghế giảng đường. Sinh viên không có tiền thuê văn phòng trung tâm TP nên họ đã xây dựng các văn phòng ảo, tận dụng doanh trại cũ, địa điểm bỏ hoang của TP, cải tạo và biến đó thành nơi trưng bày ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi tận dụng công trình của Nhà nước chưa được sử dụng hiệu quả. Từ đó, chúng tôi đối thoại với chính quyền và liên kết các khu vực tư nhân, bên liên quan để đưa những không gian đó sôi nôi trở lại.

Mặt khác, TP đã quy hoạch lĩnh vực sáng tạo TP thành các quận tương ứng với thế mạnh từng vùng như ẩm thực, thời trang, thủ công mỹ nghệ. Trong mỗi quận xây dựng một trung tâm thiết kế sáng tạo về các lĩnh vực.

Là người tiên phong trong việc hình thành ý tưởng xây dựng những không gian sáng tạo cho Hà Nội như Zone 9 (9 Trần Thánh Tông), X98 (98 Hoàng Cầu), Creative city (số 1 Lương Yên)… Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng: Ngay từ khi xây dựng trung tâm sáng tạo, đã chú trọng mời các cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa nghệ thuật đến và xác định họ chính là chủ nhân của trung tâm. Thực hiện các phiên đấu giá ý tưởng sáng tạo, thu hút sự quan tâm chú ý của những nhà sáng tạo trẻ, mà lực lượng sinh viên nằm trong đó. Đồng thời, cần phải có hoạt động quảng bá hình ảnh TP trên phương diện toàn cầu nhất là ở lĩnh vực văn hóa.

Những ý kiến chia sẻ tại Hội thảo không chỉ cho thấy bức tranh toàn cảnh về không khí sáng tạo trong khu vực, mà còn cung cấp cho Hà Nội những bài học kinh nghiệm để triển khai xây dựng, phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo của Thủ đô, với lực hấp dẫn từ sức khác biệt và sáng tạo, từ đó hoàn thành sớm các sáng kiến của TP khi gia nhập UCCN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần