70 năm giải phóng Thủ đô

Tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/11, Bộ Thông tin & Truyền thông đã tổ chức Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự hội nghị.

Luật Báo chí được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/12/1989 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 2/1/1990. Ngày 12/6/1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.
 
Tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Qua 15 năm thi hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động Liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của Nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, qua đó phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung của Luật Báo chí cơ bản đã phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng ấn phẩm, loại hình báo chí và chất lượng thông tin, qua đó phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Báo chí đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí về cơ bản đã hoạt động đúng pháp luật, định hướng, tuyên truyền kịp thời việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Bên cạnh những ưu điểm, thành tích là chủ yếu, hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, như: Nhiều về số lượng cơ quan báo chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; có xu hướng "thương mại hoá" trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ của báo chí. Lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên...

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí và việc xây dựng Luật Báo chí thời gian tới cần bám sát các quy định của Hiến pháp 2013. Một yêu cầu xuyên suốt khác là phải thể chế hoá tốt hơn, cụ thể hoá, chi tiết hoá tốt hơn các quan điểm của Đảng về công tác báo chí. Báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động theo pháp luật, phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí. Xây dựng Luật Báo chí không chỉ để quản lý báo chí mà phải tạo động lực để báo chí phát triển...

Việc sửa luật lần này nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, nhạy cảm (chỉ riêng việc quy hoạch báo chí được đặt ra từ năm 2006 nhưng nay mới trình Bộ Chính trị và sẽ trình Trung ương tại kỳ họp tới đây), nên rất cần sự góp ý của các cơ quan báo chí.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá những năm qua báo chí nước nhà đã có bước phát triển rất mạnh mẽ, thông tin đã đến với mọi ngõ ngách của cuộc sống và vươn ra toàn thế giới. Trong quá trình phát triển, phát sinh cả cái tốt và cái chưa tốt, đó là việc bình thường. Những cái chưa được có cái là do bất cập của luật, có cái chưa chắc đã do luật.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề: “15 năm trước khi làm luật không ai có thể tưởng tượng được ở bên này bán cầu có thể trò chuyện và nhìn thấy hình của người ở bên kia bán cầu. Vậy nay chúng ta sửa luật thì lường hóa những vấn đề phát triển của truyền thông thế giới thế nào. Rồi những vấn đề như báo chí hợp tác với doanh nghiệp như thế nào, vì như Đài truyền hình Việt Nam cũng có công ty liên doanh, hợp tác sản xuất chương trình... Đây là một thực tế, vậy luật điều chỉnh thế nào?" Phó Thủ tướng đề nghị chính các cơ quan báo chí cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc góp ý sửa luật, để khi luật được trình Quốc hội có chất lượng tốt nhất.