Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Kinhtedothi - Chiều 5/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điểu của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra; phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế; đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Dự án Luật được bám sát theo 4 chính sách đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và không bổ sung, thay đổi các chính sách mới. Dự án sửa đổi, bổ sung 21 khoản thuộc 19 Điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban thống nhất quan điểm, mục tiêu, phạm vi sửa đổi dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật rà soát dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật để bảo đảm thống nhất chính sách; tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh; kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các Luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; rà soát các quy định về đối tượng dán nhãn năng lượng, kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, cơ chế tài chính thúc đẩy Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả để bảo đảm tính khả thi; đánh giá, rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt là các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) để đảm bảo tính tương thích.

Đối với các quy định liên quan đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, các quy định này cơ bản phù hợp; đồng thời đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế cập nhật danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; bổ sung quy định trách nhiệm xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của cơ sở sản xuất; nghiên cứu ban hành bộ chỉ số kỹ thuật theo ngành nghề và tích hợp với chỉ số cường độ năng lượng vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia; làm rõ cơ sở quy định các biện pháp quản lý đối với cơ sở kinh doanh kiểm toán năng lượng, việc đáp ứng yêu cầu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Về quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng (khoản 16 Điều 1), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, vật liệu xây dựng có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình; nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu có hiệu suất năng lượng cao. Để thực hiện chính sách này cần có đủ hệ thống quy chuẩn, có hạ tầng kiểm định và chính sách truyền thông, ưu đãi phù hợp. Do đó, Ủy ban đề nghị xem xét, nghiên cứu làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn; rà soát các điều, khoản để chỉnh lý phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện cho việc hợp nhất văn bản.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng; nghiên cứu sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Luật Ngân sách nhà nước, Bộ luật Dân sự đã có quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội; không nên quy định về Quỹ này trong dự thảo Luật.

Quan điểm thứ hai tán thành với quy định nêu trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW; góp phần thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp hơn, nhất là quy định về thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ.

Về Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết quy định về Công ty dịch vụ năng lượng. Đây là mô hình kinh doanh mới được sử dụng hiệu quả tại nhiều nước phát triển do tính ưu việt trong việc đầu tư trước thiết bị năng lượng cho người dùng và hoàn trả chi phí thiết bị trong quá trình sử dụng; thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững.

"Ở Việt Nam, mô hình công ty này chưa phổ biến, thiếu hành lang pháp lý, hoạt động mang tính tự phát, gặp nhiều khó khăn. Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định nội hàm quản lý đối với hoạt động của mô hình công ty này; có chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển và giao Chính phủ quy định cụ thể" - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông tin.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 5/5

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 5/5

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Không để phát sinh "điểm nóng" trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

Không để phát sinh "điểm nóng" trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

05 May, 08:32 PM

Kinhtedothi - Ngày 5/5, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 28/11/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngày 6/5 sẽ công bố lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Ngày 6/5 sẽ công bố lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

05 May, 08:09 PM

Kinhtedothi - Chiều 5/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (gọi tắt là Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp) đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ