Tạo hình ảnh gia đình chuẩn mực

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hãy hành động vì một mái ấm gia đình không bạo lực” là một trong những thông điệp được truyền đi trong dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2016.

Đây cũng là vấn đề liên tục được nhắc đến trong thời gian qua với quyết tâm mạnh mẽ từ các cấp, các tổ chức, nhưng trước hết cần được “khơi thông” từ chính các gia đình.

Bạo lực gia đình - kêu gọi thôi chưa đủ

Thực tế cuộc sống hiện tại vẫn cho thấy rất nhiều câu chuyện hết sức thương tâm khi phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Có không ít trường hợp phụ nữ ngày nào cũng phải hứng chịu đòn chồng, nhẹ thì sưng húp mặt, chân tay, nặng thì có khi đi viện... Nguyên nhân thì có nhiều, từ kinh tế gia đình khó khăn, do ghen tuông, ngoại tình, do áp lực phải sinh con trai... Và không có nghĩa các gia đình có học vấn cao sẽ ứng xử tốt hơn nên không có hành vi bạo lực. Thực tế cho thấy, bạo lực gia đình diễn ra cả trong gia đình mà người chồng và người vợ đều có trình độ học vấn cao.
Phụ huynh cho trẻ vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Phụ huynh cho trẻ vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Công Hùng
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm một thống kê và kết quả cho thấy 34% phụ nữ đã có gia đình bị chồng bạo hành (tức là trung bình cứ 3 người phụ nữ đã kết hôn có một người đã từng bị chồng bạo hành). Tuy nhiên, đa phần nạn nhân vẫn im lặng dù đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình từ năm 2007. Sự im lặng có nhiều lý do, nhưng tựu trung lại là sự yếu mềm và lòng vị tha của người phụ nữ. Bạo lực gia đình không những làm xói mòn đạo đức xã hội mà còn ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai; nguy cơ gây tan vỡ gia đình, đó dường như là điều ai cũng biết, cũng hiểu. Nhiều chương trình, hoạt động, dự án đã được thực hiện hướng đến phụ nữ, giúp phụ nữ vượt qua hoàn cảnh, nỗi sợ, dám đấu tranh và không cam chịu bạo lực. Nhưng hiệu quả vẫn dừng ở mức tuyên truyền, vận động, chứ chưa đi sâu vào mỗi gia đình. Luật cũng chưa có các chế tài đủ mạnh để giải quyết “tận gốc” vấn đề. Hơn thế, theo các chuyên gia, nếu công tác phòng chống bạo lực gia đình chỉ chú trọng tác động tới phụ nữ mà không nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nam giới thì chỉ làm nới rộng khoảng cách giữa hai giới, khiến bạo lực xảy ra nhiều hơn.

Do đó, công tác tuyên truyền mặc dù giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, nhưng việc xây dựng các thiết chế gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Và cần nỗ lực hơn nữa để lôi cuốn sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Nam giới - người “gỡ nút thắt”

Trong không ít cuộc trò chuyện về chủ đề này, những người trong cuộc đã kể lại những câu chuyện thật về bạo lực trong chính gia đình họ. Và cũng chính ở đây, còn có cả những giọt nước mắt xót xa, ân hận của người đàn ông vì đã làm khổ vợ con. Câu chuyện của họ cho thấy, nếu nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nam giới trong xây dựng hạnh phúc gia đình thay đổi và có sự chung tay của xã hội, thực trạng đáng buồn này hoàn toàn có thể được cải thiện.

Kể lại nỗi khổ khi bị chồng đánh với những giọt nước mắt lăn dài, chị Nguyễn Thị K. ở Bắc Từ Liêm cho biết, thời điểm đó ngày nối đêm, đêm nối ngày, cuộc sống của chị chẳng khác  gì địa ngục... Nhưng rồi may mắn cũng đến với chị, vì hơn 10 năm trôi qua, cuộc sống của chị đã có nhiều điều đổi khác khi chồng chị - người tự nhận là "đánh vợ nhiều không kể nổi" đã quả quyết: “Đánh vợ là dại”. Giờ đây, anh rất yêu thương, chăm sóc, sẻ chia việc nhà với chị. Anh còn là một tuyên truyền viên tích cực vận động các ông chồng cùng địa phương không đánh vợ, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. Anh bảo: “Giờ mình quyết tâm sửa bằng cách vận động anh em trong ngõ cùng hiểu cái sai mà cư xử cho đúng. Đấy là chưa kể nhỡ tay, vợ bị làm sao thì áy náy cả đời".

Không phải người phụ nữ nào rơi vào cảnh bạo lực gia đình cũng có được may mắn khi chồng họ nhận ra lỗi lầm của mình. Để có sự đổi thay trong tư duy và cách ứng xử trong gia đình của những người nam giới không phải tự nhiên, đó là cả quá trình giúp sức của hội phụ nữ địa phương, các "lớp học làm chồng", các câu lạc bộ người chồng đảm… Qua đó, nhiều người đã nhận thức ra và quyết tâm sửa bằng được cái tính cục cằn, lỗ mãng khi xưa. Họ cũng thấy rằng việc đó không đến mức quá khó nếu tự tiết chế được hành vi của mình, bình tĩnh để nhìn nhận cái đúng, cái sai. “Đánh vợ con không bao giờ mang lại hạnh phúc hay sự thoải mái cho bản thân mình cả, bằng chứng là trước đây sau mỗi lần trút bạo lực xuống vợ con, bản thân mình cũng thấy rất mệt mỏi và nặng nề” - anh C. ở Thạch Thất tâm sự.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, nam giới có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực gia đình. Những tấm gương điển hình nam giới không bạo lực cần được khuyến khích. Bên cạnh đó là tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai giới thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, để tạo tính bền vững cho gia đình, cũng là nền tảng chấm dứt bạo lực.