70 năm giải phóng Thủ đô

Tạo khung pháp lý để triển khai lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp trực tuyến, nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên hợp quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và gìn giữ hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc.
 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Điều này nhằm thực thi Hiến pháp năm 2013 và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Thực tế, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu-đăng và Cục Hoạt động hoà bình tại Trụ sở Liên hợp quốc. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cùng với đó, thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng, như: đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc; nghiên cứu, đánh giá các địa bàn có thể cử lực lượng triển khai; thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc… Trong thời gian tới, dự kiến thành lập Văn phòng Thường trực về Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo hình thức kiêm nhiệm để thúc đẩy công tác chuẩn bị; hoàn thiện cơ sở pháp lý và phấn đấu cử cán bộ, sĩ quan Công an nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên hợp quốc từ năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Tuy nhiên, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một nhiệm vụ mới, hiện nay chưa được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực này. Trong quá trình triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý: Cơ chế xây dựng lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là phù hợp và cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết mục đích xây dựng Nghị quyết là nhằm xây dựng khung pháp lý về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo hợp lý chế độ chính sách; chuẩn hóa quy trình, thủ tục pháp lý trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng và xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 17 điều. Nội dung dự thảo Nghị quyết cơ bản bám sát 03 chính sách gồm Chính sách 1 về Quy định cụ thể về tổ chức và xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Chính sách 2 về Xác định rõ quy trình, thẩm quyền quyết định việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Chính sách 3 về Hoàn thiện cơ chế đảm bảo nguồn lực cho việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc).
Cụ thể, Chương I về Quy định chung: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc, hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; xử lý vi phạm, khiếu nại. Trong đó dự thảo Nghị quyết chỉ quy định lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc trên cơ sở khoản 2 Điều 89 Hiến pháp năm 2013. Theo quy định của Liên hợp quốc, thành phần dân sự tham gia vào các vị trí của Liên hợp quốc được tuyển dụng, ký hợp đồng cá nhân trực tiếp với Liên hợp quốc, không chịu sự ràng buộc của Chính phủ quốc gia mang hộ chiếu. Do đó, Chính phủ đề nghị chưa quy định đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong dự thảo Nghị quyết.
Cùng với đó, Chương II về Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Quy định các vấn đề: Xây dựng lực lượng; trang phục, trang bị, phương tiện, vũ khí. Chương III về Thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chương IV về Kinh phí bảo đảm và chế độ, chính sách. Chương V về Quản lý nhà nước: Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương liên quan. Chương VI về Điều khoản thi hành.
Sau khi nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Tại Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LLGGHBLHQ) nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) tham gia LLGGHBLHQ là thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của LLVTND trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.

Về sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, của Hiến pháp, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Có ý kiến đề nghị rà soát nội dung dự thảo Nghị quyết cho thống nhất với các quy định có liên quan của Hiến pháp, quy định của một số luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; nghiên cứu lồng ghép yêu cầu bình đẳng giới cho phù hợp với đặc thù nhiệm vụ ở nước ngoài.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, nội dung dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhưng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định có liên quan để quy định chặt chẽ, thống nhất, đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo đảm tính khả thi.

 

Về bố cục của dự thảo Nghị quyết: Một số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị, về hình thức văn bản cần thống nhất với các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành; nghiên cứu bỏ tên các chương; bổ sung quy định trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng tham gia và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quy định về hồ sơ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh xem xét, quyết định; hồ sơ trình Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh xem xét, quyết định cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng và căn cứ để xem xét, quyết định; cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh; trách nhiệm giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để bố cục dự thảo Nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, logic, thống nhất giữa nội dung và hình thức; nên quy định mang tính nguyên tắc về những nội dung thuộc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; cụ thể hơn về quy trình, thẩm quyền, chế độ, chính sách trên cơ sở các quy định đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung những nội dung cần thiết để tạo thuận lợi khi tổ chức thực hiện.

Một số nội dung cụ thể

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết: Một số ý kiến nhất trí với tên gọi của dự thảo Nghị quyết, vì đã được xác định tại Nghị quyết số 106/2020/QH14 của Quốc hội; ý kiến khác đề nghị lấy tên là “Nghị quyết về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc” như Tờ trình số 16/TTr-CP ngày 04/9/2020 của Chính phủ, vì phù hợp với tên Đề án của Bộ Chính trị và các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang tổ chức thực hiện. Có ý kiến cho rằng, tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết không bao quát được nội hàm quy định của Hiến pháp trong trường hợp Việt Nam đưa LLVTND bảo vệ hòa bình ở khu vực, trên thế giới nằm ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt khẳng định: Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc với tư cách là một thành viên có trách nhiệm là phù hợp; hiện nay chưa nên đặt vấn đề Việt Nam đưa LLVTND tham gia bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc; tên gọi như Tờ trình số 19/TTr-CP ngày 01/10/2020 của Chính phủ là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm nội dung phạm vi điều chỉnh để bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, thống nhất.

Về nguyên tắc (Điều 4): Nhiều ý kiến nhất trí như dự thảo Chính phủ trình. Có ý kiến đề nghị tách quy định về Hội đồng Quốc phòng và An ninh thành 1 khoản để thể hiện đúng vị trí, quyền hạn của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch nước, Chính phủ theo hướng bảo đảm nguyên tắc tuân thủ quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định chưa rõ về việc áp dụng và đề nghị làm rõ tên Điều này để phù hợp với nội hàm của Điều; có ý kiến đề nghị chỉnh lý lại khoản 3 cho thống nhất với Hiến pháp, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo hướng bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể, thống nhất, bảo đảm nội hàm phù hợp với tên Điều, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan, làm cơ sở quy định các nội dung khác của dự thảo Nghị quyết.

Về xây dựng lực lượng (Điều 7): Một số ý kiến nhất trí như dự thảo Chính phủ trình. Một số ý kiến cho rằng, Báo cáo đánh giá tác động và dự thảo Nghị quyết chưa xác định cụ thể, thống nhất mô hình tổ chức, bảo đảm hoạt động để xây dựng lực lượng trước khi tham gia LLGGHBLHQ, trong đó có vai trò của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam về việc tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan, nên đề nghị làm rõ, quy định cụ thể cho thống nhất, dễ thực hiện; bổ sung quy định về tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức văn hóa, phong tục, tập quán nước sở tại cho cá nhân tham gia LLGGHBLHQ. Có ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 2, khoản 3 phải trên cơ sở quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh để Chính phủ thực hiện xây dựng lực lượng và cần rà soát cho phù hợp với Điều 11 dự thảo Nghị quyết; có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm chủ trì của Bộ Quốc phòng, trách nhiệm phối hợp của Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan và thẩm quyền quyết định xây dựng lực lượng tại khoản 3.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soảt, để quy định chặt chẽ, cụ thể, bảo đảm tính thống nhất về tổ chức hoạt động, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, chỉ huy, điều hành giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan khác có liên quan trong xây dựng lực lượng; đồng thời, không làm phát sinh tổ chức, biên chế và tăng ngân sách nhà nước.

Về thẩm quyền quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng (Điều 10): Một số ý kiến nhất trí như dự thảo Chính phủ trình. Có ý kiến đề nghị chỉnh lý lại khoản 1 theo hướng quy định Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia LLGGHBLHQ theo đề nghị của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, căn cứ để Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh ban hành quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng tại khoản 2 phải là quyết định mà không phải là ý kiến của Hội đồng Quốc phòng và An ninh như dự thảo Chính phủ trình.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn về thẩm quyền quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng trên cơ sở quan hệ pháp luật giữa Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh với Chính phủ; quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong thực hiện quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh cho thống nhất với Điều 15 dự thảo Nghị quyết.

Về chế độ chính sách (Điều 14): Một số ý kiến nhất trí với dự thảo Chính phủ trình. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn (hoặc quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết) về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia LLGGHBLHQ để tạo thuận lợi trong triển khai tổ chức thực hiện; làm rõ các cụm từ “trực tiếp và gián tiếp”, “theo quy định của pháp luật” tại khoản 1 để dễ thực hiện.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định một số nội dung cơ bản về chế độ, chính sách cho người tham gia LLGGHBLHQ phù hợp với pháp luật Việt Nam và quy định của Liên Hợp Quốc; phù hợp với tính chất, đặc thù nhiệm vụ, địa bàn hoạt động và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, kịp thời, nhằm động viên, khuyến khích người được cử đi làm nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (Điều 15): Một số ý kiến nhất trí như dự thảo Chính phủ trình. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về công tác quản lý nhà nước, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Có ý kiến cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì chủ thể có quyền quyết định việc LLVTND tham gia LLGGHBLHQ là Hội đồng Quốc phòng và An ninh, còn Chính phủ là cơ quan đề xuất, trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh và quản lý nhà nước đối với LLVTND. Do đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc xây dựng đề án, kế hoạch về việc tham gia LLGGHBLHQ phải trên cơ sở quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu để quy định chặt chẽ, thống nhất, phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trên cơ sở thực hiện các quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh để bảo đảm thống nhất và khả thi.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành Trung ương (Điều 16): Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về Cơ quan thường trực tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Hội đồng Quốc phòng và An ninh về việc Việt Nam tham gia LLGGHBLHQ gắn với Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam; đồng thời tách điểm b, điểm c khoản 2 thành 2 khoản để quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ chủ trì, phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc tham gia LLGHBLHQ, vì cho rằng dự thảo Nghị quyết quy định chưa rõ, chưa thống nhất với khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 12 và quy định cụ thể về “cấp có thẩm quyền quyết định” tại điểm a khoản 1.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng hơn Điều này, trong đó có Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho thống nhất với khoản 1 Điều 35 Luật Quốc phòng quy định Bộ Quốc phòng là cơ quan “tham mưu, giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh”; thể hiện rõ Bộ Quốc phòng là đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước và có nhiệm vụ, quyền hạn “chủ trì, phối phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch thực hiện việc tham gia LLGGHBLHQ…”, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện việc tham gia LLGGHBLHQ.

Về một số nội dung khác của dự thảo Nghị quyết: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Có ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ “cơ quan, tổ chức, cá nhân” tại khoản 2 Điều 2; cân nhắc giải thích cụm từ “LLGGHBLHQ” tại Điều 3 cho thống nhất với cách giải thích của Liên Hợp Quốc hoặc bỏ nội dung này; làm rõ hơn quy định “Các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định” tại điểm l khoản 3 Điều 5 và sắp xếp, chỉnh lý lại Điều này cho chặt chẽ, thống nhất.

Có ý kiến đề nghị tại Điều 6, làm rõ việc xử lý vi phạm, khiếu nại để làm căn cứ giải quyết các vụ việc phát sinh; bỏ cụm từ “bị điều tra”, vì không phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc thay bằng cụm từ “bị xử lý”; làm rõ nội hàm của cụm từ “tranh chấp” về dân sự hay về thẩm quyền và cơ sở pháp lý, hình thức, thẩm quyền ký kết “thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc”. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 3 Điều 9 về việc quản lý, sử dụng vũ khí trong trường hợp có xung đột pháp lý giữa pháp luật Việt Nam với quy định của Liên Hợp Quốc, pháp luật quốc tế và pháp luật nước sở tại; làm rõ khái niệm “điều chỉnh, rút lực lượng” làm cơ sở quy định nội dung Điều 10 và Điều 11 dự thảo Nghị quyết; nghiên cứu quy định cụ thể hơn các nội dung dự thảo Nghị quyết giao quy định chi tiết; quy định về độ tuổi, thời gian phục vụ, thời gian nhiệm kỳ, việc kéo dài (nếu có) tham gia LLGGHBLHQ.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên, tiếp tục rà soát, chỉnh lý về nội dung, kỹ thuật văn bản để quy định chặt chẽ, cụ thể, bảo đảm tính thống nhất ngay trong dự thảo Nghị quyết và với hệ thống pháp luật. Với báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, kính trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến./.