Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất chính sách sửa đổi Luật Thủ đô:

Tạo khung pháp lý xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu của chính sách phát triển giáo dục Thủ đô đặt ra là xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế…

Mục tiêu của chính sách phát triển giáo dục Thủ đô đặt ra là xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao... Ảnh chụp tại Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân
Mục tiêu của chính sách phát triển giáo dục Thủ đô đặt ra là xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao... Ảnh chụp tại Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân

Huy động nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Hà Nội đã tổ chức tổng kết 8 năm thi hành Luật Thủ đô và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhiều nội dung chính sách đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được TP tổng hợp, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trở thành các định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế đặc thù, tạo thuận lợi cho Thủ đô trên các lĩnh vực đã được đưa thành quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết.

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện ở khâu lập đề nghị xây dựng Luật để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023. Trong các chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chính sách phát triển giáo dục của Thủ đô chiếm vai trò quan trọng, là sự tiếp nối, nâng tầm các quy định của Luật Thủ đô năm 2012.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, mục tiêu của chính sách phát triển giáo dục Thủ đô đặt ra là xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, trình độ đào tạo; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mở rộng quy mô hợp tác quốc tế.

TP khuyến khích người dân, DN đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Thủ đô với ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi trong các Luật hiện hành. Cụ thể, ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thủ tục thành lập DN nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế về giáo dục theo quy định của pháp luật. TP được áp dụng thuế suất 5% hoặc miễn thuế thu nhập DN đối với thu nhập của DN đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hỗ trợ cùng một mức học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn TP không phân biệt trường công lập và trường tư thục.

Cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do HĐND TP quy định. TP được ban hành cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập; được quy định hình thức ưu đãi phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học.

Hà Nội đề xuất được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế
Hà Nội đề xuất được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế

Ngoài ra, TP đề xuất được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế; lập Quỹ học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô để cử đi học tập, đào tạo ở các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín của quốc tế, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quay về phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Cần thiết cơ chế đặc thù đối với cơ sở giáo dục công lập

Góp ý cho chính sách sửa đổi Luật Thủ đô, TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đánh giá, đề xuất TP Hà Nội được ban hành cơ chế cho phép các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do HĐND TP quy định và TP được ban hành cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước, quốc tế trong các cơ sở giáo dục công lập là quy định có tính đột phá.

“Cơ chế đặc thù là cần thiết đối với các cơ sở giáo dục công lập trong bối cảnh hiện nay để xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Các cơ sở giáo dục tham gia liên kết sẽ được tiếp cận với các nội dung giáo dục bổ sung thêm từ các chương trình giáo dục tiên tiến và được chuyển tiếp học tại các cơ sở giáo dục nước ngoài một cách thuận lợi khi tham gia chương trình này. Tuy nhiên, đề xuất này với cấp THPT sẽ hiệu quả nhất” - TS Tạ Ngọc Trí nhận định.

Ngoài ra, theo TS Tạ Ngọc Trí, Hà Nội có thể quy định những chính sách đặc thù để huy động nguồn lực xã hội cho việc triển khai các nội dung giáo dục tiên tiến cho một bộ phận học sinh phổ thông, mầm non có điều kiện và có nhu cầu trên cơ sở việc triển khai chương trình giáo dục bắt buộc đã được quy định và các nội dung giáo dục mà TP mong muốn. Chính sách đặc thù đó nên tập trung theo thứ tự cho cấp THPT rồi đến cấp THCS, mầm non và cuối cùng là cấp tiểu học. Nguồn lực của TP cần tập trung cho cấp tiểu học bởi cấp tiểu học được Hiến pháp quy định là cấp học bắt buộc, Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, các chính sách được đề xuất có tính khả thi rất cao. Trong các đề xuất, có những nội dung đã triển khai như điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông và mầm non với một số môn học. Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành hiện đã đưa các môn Tin học, tiếng Anh vào học tăng cường. Do đó, sửa đổi Luật Thủ đô cần cụ thể hơn những nội dung này, để làm sao có các chính sách mang tính khai phóng cho Hà Nội dựa trên nguồn lực của Thủ đô.

 

Nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được TP Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chính sách về phát triển giáo dục của Thủ đô chiếm vai trò hết sức quan trọng. Hà Nội mong muốn các ý kiến đề xuất đưa ra được chính sách ưu việt, vượt trội, có tính khả thi trong thực tiễn để đưa vào luật…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn