Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo lập không gian sống văn minh

Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội tuy mới phát triển khoảng 15 năm nhưng đã có bước phát triển quan trọng, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Chất lượng nhà ở được nâng cao
Thị trường BĐS đã tạo điều kiện để hàng hóa BĐS phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất của xã hội. Đặc biệt, thị trường nhà ở phát triển mạnh mẽ, mặc dù Nhà nước không còn bao cấp về nhà ở như trước, nhưng trong thời gian từ 1999 - 2009 quỹ nhà ở của TP tăng hơn 2 lần, diện tích bình quân nhà ở cũng tăng từ 9,6m2/người năm 1999 lên 20,6m2/người năm 2009. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội phát triển thêm 4.676.330m2 sàn nhà ở xã hội; 567.539m2 sàn nhà ở cho công nhân thuê; 976.992m2 sàn nhà ở sinh viên; 1.200.000m2 sàn nhà ở tái định cư và 20.418.000m2 sàn nhà ở thương mại.
Ảnh: Phạm Hùng
Có thể đánh giá, chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, nhiều khu nhà ở mới khang trang đã và đang dần dần thay thế các khu nhà ở cũ bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều khu dân cư mới, tuyến phố mới được hình thành, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị. Các công trình văn phòng, thương mại, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị, nhà ở chung cư được phát triển ngày một quy mô, hiện đại, tạo nên những khu vực dân cư với môi trường sống văn minh, tiện lợi và hiện đại như các khu Royal City, Times City...

Thị trường BĐS hình thành đã tạo điều kiện để giá cả và phương thức giao dịch được thực hiện theo cơ chế thị trường, từ đó khắc phục được cơ chế bao cấp trong lĩnh vực phát triển BĐS, nhất là lĩnh vực nhà ở. Với một số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, từ lĩnh vực đầu tư các công trình văn phòng, khách sạn, đến các khu đô thị lớn như Ciputra, Gamuda, Splendora (Bắc An Khánh)... góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của TP và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng bộ từ xây dựng đến quản lý

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của thị trường BĐS thời gian qua đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Có những giai đoạn thị trường phát triển quá nóng, nhiều dự án BĐS được cấp phép không căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị, không có kế hoạch và không phù hợp với nhu cầu có khả năng thanh toán của thị trường. Nhiều DN không có chức năng, không đủ năng lực và kinh nghiệm cũng tham gia đầu tư BĐS, dẫn đến tình trạng lệch pha cung - cầu, hàng tồn kho lớn.

Giá cả hàng hóa BĐS, đặc biệt là giá nhà ở cao hơn so với khả năng chi trả của người dân, cơ cấu hàng hóa BĐS nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê.
Quỹ nhà ở xã hội có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị. Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng giao thông, cấp thoát nước còn diễn ra phổ biến, dẫn đến không thu hút được người dân về ở, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, hàng năm, tại Hà Nội số nhà ở xây dựng mới trung bình khoảng 6 - 6,5 triệu mét vuông nhà ở, nhưng số lượng nhà ở do dân tự đầu tư còn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 65 - 70%), vì vậy sẽ rất khó hình thành các khu đô thị văn minh, hiện đại.

Để thị trường BĐS Hà Nội phát triển lành mạnh, bền vững theo hướng tạo lập không gian sống văn minh, TP Hà Nội cần hạn chế phát triển các khu nhà ở mới trong các quận nội thành, trừ việc cái tạo các khu chung cư cũ. Việc phát triển đô thị theo hướng xây dựng các đô thị hạt nhân với quy mô đủ lớn từ 500 - 600ha trở lên, với quy hoạch hiện đại, thông minh (Smart City) thực hiện theo kế hoạch và kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, tiếp tục quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng công chức, viên chức, người có thu nhập thấp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và điều tiết thị trường.

Cùng với đó, nghiên cứu để có thêm phần phụ thu đối với các dự án nhà ở cao cấp và các đối tượng mua nhà ở nhưng bán lại trong thời gian dưới 5 năm để tránh đầu cơ làm gia tăng giá nhà ở. Ngoài ra, xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định tại Nghị định 117/2015/NÐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ để kịp thời điều chỉnh thị trường phát triển ổn định, bền vững.