Tạo liên kết đưa hàng Việt về nông thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, tuy nhiên, do hệ thống bán lẻ chưa phủ sóng toàn bộ vùng nông thôn nên hàng Việt chưa bền vững trong tâm lý mua sắm của người dân.

Biết kém chất lượng…vẫn mua

Nằm cách trung tâm Thủ đô chừng 20km, chợ Vồ (huyện Thường Tín), khu chợ dân sinh kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân quanh vùng, trong cơ cấu hàng hóa đã có sự hiện diện khá nhiều hàng Việt. Nhưng điều đáng nói, đa phần người dân khi mua sắm chỉ quan tâm đến giá sản phẩm mà không để ý đến chất lượng. Tại quầy tạp phẩm, chị Trần Thị Huế (người dân xã Tự Nhiên), sau khi hỏi giá bán, liền lấy chai dầu gội đầu nhãn hiệu Clear và ít bánh kẹo bán theo cân, không ghi nhãn mác hàng hóa, không mua sản phẩm đã được đóng gói. Khi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị hỏi chị vì sao lại mua bánh kẹo bán theo cân mà không mua loại đã được đóng gói, nhỡ mua phải hàng giả thì sao? Chị Huế cho biết: Bánh cân giá rẻ hơn hàng đóng gói, cùng một khoản tiền chị mua được nhiều hơn, đồng thời chủ cửa hàng này là người cùng làng nên chắc họ không bán hàng giả cho chị.
Người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt trong hội chợ huyện Quốc Oai 2016. 	Ảnh: Khắc Kiên
Người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt trong hội chợ huyện Quốc Oai 2016. Ảnh: Khắc Kiên
Theo bà Trương Thị Thạch - Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội (một trong những DN thương xuyên đưa hàng Việt về nông thôn): Do thu nhập người dân các huyện chưa cao nên khi mua sắm thường có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ với sản phẩm không có nguồn gốc, hàng nhái… do một số tư thương, tiểu thương nhập về để bán . “Trong chuyến đưa hàng Việt về huyện Phúc Thọ, người dân thắc mắc vì sao bột canh Hải Châu (sản phẩm đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng) lại đắt hơn bột canh Hải Anh. Chỉ đến khi tôi chỉ cho người dân thấy bột canh Hải Anh do một công ty TNHH tại Đông Anh sản xuất, nhái mẫu mã bột canh Hải Châu, người dân mới biết họ bị lừa mua phải hàng nhái nhãn mác” - bà Thạch dẫn chứng.

Trong khi đó, do các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn diễn ra trong một thời gian rất ngắn, tổ chức còn khá rời rạc, thiếu sự liên kết… nên nhiều người dân không nhận biết được hàng nhái nhãn mác với sản phẩm chính hãng… Điều này khiến người dân thiếu thông tin về sản phẩm. Phản ánh từ các DN tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cho thấy, mặc dù ngành công thương và các DN đã đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn nhưng số lượng DN tham gia chương trình không nhiều và hầu hết các phiên chợ Việt vẫn chỉ loanh quanh với mấy DN: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Siêu thị Fivimart, Lanchi Mart… tổ chức.

Thiếu hệ thống phân phối

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong năm 2015, Sở và các DN bán lẻ đã tổ chức 30 phiên chợ Việt và 120 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện và khu công nghiệp (KCN). Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 vừa qua, các DN ngành thương mại đã tổ chức 9 điểm bán hàng Tết theo mô hình phiên chợ Việt, 187 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện và KCN. Nhưng do các DN chưa xây dựng hệ thống bán lẻ tại thị trường này, điều đó khiến người tiêu dùng chấp nhận sử dụng hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tuy nhiên, các DN bán lẻ lại cho rằng, không phải DN không muốn xây dựng hệ thống bán lẻ tại các huyện mà trong quá trình phát triển, DN thiếu mặt bằng xây dựng. Đây là rào cản khiến DN ngại đầu tư vào hệ thống phân phối. Trong khi việc phát triển hệ thống bán lẻ không chỉ giúp DN sản xuất tiêu thụ được sản phẩm trên thị trường nội địa mà còn tạo ra việc làm cho lao động nông thôn. Trước thực tế trên, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đề xuất, sau mỗi phiên chợ hàng Việt, DN có thể cho nhân viên đem sản phẩm đi chào với các tiểu thương tại địa bàn nơi vừa tổ chức phiên chợ Việt, từ đó thâm nhập sâu rộng vào thị trường nông thôn. “Trên thực tế, đã có nhiều DN thành công trong việc xây dựng hệ thống phân phối tại địa phương. Ví dụ như Tập đoàn Dệt may Việt Nam có hệ thống Vinatex Mart phát triển trên địa bàn cả nước, qua đó giới thiệu các mặt hàng dệt may của Việt Nam tới người dân” - ông Vũ Vinh Phú nêu ví dụ.

Điều đó cho thấy, muốn đưa hàng Việt về nông thôn một cách hiệu quả, ngành công thương phải không chỉ vào cuộc bằng các chính sách hỗ trợ mà còn cần cùng DN thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Về phía DN cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thì người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần phải nâng cao nhận thức sử dụng sản phẩm trong nước, góp phần hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.