Nhiều ưu điểm
Sự phát triển của xã hội hiện đại đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) bao gồm vật liệu kết cấu, bao che, lợp, làm vách ngăn bên trong công trình và các loại vật liệu hoàn thiện để có thể theo kịp các ý tưởng của các kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế công trình.
Cho đến nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, VLXD cũng ngày càng được nghiên cứu nhiều hơn và đã sản xuất được nhiều chủng loại với các đặc tính mới ưu việt hơn. Trong đó, nghiên cứu và phát triển các loại VLXD thân thiện với môi trường, như bê tông tự khôi phục, bê tông xanh, bê tông tính năng siêu cao; đá ốp lát nhân tạo... những loại vật liệu này không chỉ có độ bền cao mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tiếp đó, những loại VLXD ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất, khi cho phép thao tác và sử dụng vật liệu ở quy mô phân tử, làm tăng và tạo ra tính chất đặc biệt của vật liệu, giúp giảm kích thước của các thiết bị đến kích thước cực nhỏ. Nhiều lĩnh vực đã ứng dụng nano vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao như sản xuất sơn nước hay phụ gia cho xi măng và bê tông.
Về xây dựng, công nghệ in 3D đã được ứng dụng để xây dựng các công trình bằng bê tông với độ chính xác cao, hình dạng bất kỳ mà không cần sử dụng khuôn đúc cho thời gian thi công nhanh chóng. Công nghệ này giúp giảm thiểu lãng phí vật liệu và tiết kiệm chi phí lao động. Đồng thời, in 3D được sử dụng để tạo ra các mô hình kiến trúc chi tiết, giúp các nhà thầu và kiến trúc sư dễ dàng hình dung và điều chỉnh thiết kế trước khi triển khai xây dựng.
Vật liệu làm vách ngăn bên trong công trình (tường ngăn, vách ngăn...) cũng có xu hướng chuyển từ xây tường bằng các loại gạch sang các loại tấn như tấm bê tông rỗng, tấm compact, tấm phẳng xi măng sợi, kính, tấm thạch cao, tấm sợi khoáng tiêu âm... đây là các loại vật liệu được xem là xu hướng cho các công trình xây djwng trong tương lai với nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian thi công, có tính linh hoạt trong sử dụng cũng như nâng cao tính thẩm mỹ cho kết cấu, đồng thời cũng giúp tiết kiệm được diện tích xây dựng, cách âm, cách nhiệt tốt hơn VLXD truyền thống.
Còn hạn chế
Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) TS Nguyễn Quang Hiệp cho biết, mặc dù ngành VLXD đã đạt được nhiều thành tựu và có bước tiến vượt bậc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành xây dựng và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất VLXD vẫn còn nhiều hạn chế trong đầu tư và phát triển.
Nhiều lĩnh vực sản xuất chủ yếu được đầu tư với quy mô nhỏ, trung bình, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung, khai thác đá, cát xây dựng... do vậy việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn nhiều khó khăn.
Trình độ chế tạo thiết bị của nước ta còn thấp so với các nước trên thế giới. Đa số các cơ sở chế tạo thiết bị chưa sản xuất được hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ hoặc sản xuất được nhưng giá thành lại cao nên không cạnh tranh được với các công ty sản xuất thiết bị trên thế giới.
Bên cạnh đó, VLXD trong nước phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào như tài nguyên khoáng sản, công nghệ, năng lượng và vốn. Việc cân đối cung cầu của các chủng loại sản phẩm còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng dư thừa cũng như không khai thác hết năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thay thế, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong sản xuất VLXD vẫn chưa được quan tâm đúng mức đầu tư.
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp, việc triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp sản xuất VLXD nhỏ, siêu nhỏ thành các đơn vị sản xuất có quy mô công nghiệp, đủ tiềm lực và điều kiện áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao, đồng thời đủ điều kiện tham gia vào chuối cung ứng sản phẩm toàn cầu còn chậm. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi còn chưa rõ ràng, chưa có tiêu chí cụ thể đối với loại hình doanh nghiệp.
Giám đốc nhà máy sản xuất hóa chất Phenikaa, TS Hà Thu Hường cho biết, trong bối cảnh bất ổn và địa chính trị, việc làm chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng để phát triển sản xuất bền vững, đồng thời giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãnh phí và sử dụng các nguyên liệu tái chế một cách hiệu quả.
Việc này không chỉ giảm ảnh hưởng đến môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế cho doanh nghiệp. Hiện nay, Phenikaa là doanh nghiệp sản xuất đá duy nhất trên thế giới có nhà máy sản xuất nguyên liệu đầu vào cho polyester resin và cristobalite - 2 nguyên liệu chiếm trên 95% cấu thành sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh.
Theo TS Hà Thu Hường, tăng trưởng xanh được coi là một chiến lược quan trong để phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và kết hợp hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường.