Tạo mọi điều kiện để các hội quần chúng nâng cao hiệu quả hoạt động
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng và Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Nguyễn Doãn Toản chủ trì cuộc làm việc. Tham dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.

Góp phần vào thành công thực hiện các nhiệm vụ chính trị
Báo cáo tại cuộc làm việc cho thấy, hiện nay, hoạt động trên phạm vi TP Hà Nội có 19 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Trong đó, có 2 liên hiệp hội có đảng đoàn. Tổng số hội viên của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn TP khoảng gần 3 triệu lượt người. Các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động phạm vi quận, huyện, thị xã có 143 hội; hoạt động phạm vi xã, phường, thị trấn có 1.552 hội.
Về số biên chế được giao, trong số 19 hội quần chúng hoạt động phạm vi TP thì có 11 hội được giao 188 chỉ tiêu biên chế. Số biên chế được giao trên phạm vi quận, huyện, thị xã là 176 chỉ tiêu. Số kinh phí được Nhà nước hỗ trợ các hội hoạt động trên địa bàn TP giai đoạn từ 2018 – 2021 gần 345 tỷ đồng và các hội hoạt động tại quận, huyện, thị xã là hơn 245 tỷ đồng. Ngoài ra, các hội được tổ chức theo 4 mô hình như: Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ có các hội thành viên là các hội chuyên ngành hoạt động phạm vi TP; Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ có các hội thành viên là các hội hoạt động phạm vi quận, huyện, thị xã; Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chỉ có hội hoạt động phạm vi TP; Các hội có các pháp nhân trực thuộc.
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền các chủ trương của Đảng đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân TP đối với vị trí, vai trò của các hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của TP được nâng lên. Công tác quản lý Nhà nước đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, thống nhất, hiệu quả. Điều này đã đóng góp đáng kể trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của TP và các địa phương trên địa bàn. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển chung của TP trên tất cả các lĩnh vực và đóng góp tích cực xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt là trong thời gian dài chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh Covid-19.

Tích cực tham gia giám sát, phản biện xây dựng Đảng, chính quyền
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến cho biết, việc triển khai xây dựng đề án diễn ra trong thời điểm phù hợp. Tại Hà Nội, với tư cách Thủ đô cả nước nên có rất nhiều hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được thành lập. Do đó, Thành uỷ luôn quan tâm, đổi mới phương thức lãnh đạo và tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động của các hội. Tính chất hoạt động của các hội đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, về cơ bản hội quần chúng của TP giao nhiệm vụ đều là thành viên của Mặt trận và hoạt động tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật và điều lệ hoạt động của các hội được UBND TP phê duyệt. Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo với hoạt động của các hội. Việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên, giữ vững sự ổn định, đoàn kết trong các hội quần chúng tại Hà Nội chính là nền tảng quan trọng để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng.
Đề cập tới một số tồn tại trong quá trình hoạt động, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy với các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Đồng thời chỉ đạo UBND TP đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các hội và quan tâm hơn nữa đến việc thành lập các tổ chức Đảng tại các hội quần chúng.
“Những đóng góp tích cực của các hội quần chúng thời gian qua đã góp phần quan trọng để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh và giúp Thủ đô phát triển bền vững” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng kiến nghị T.Ư sớm ban hành quy chế mẫu về hoạt động của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ để cấp ủy các địa phương căn cứ trên quy chế mẫu vận hành hiệu quả hoạt động của các hội và thực hiện các cơ chế, chính sách với cán bộ, viên chức được tuyển dụng vào làm việc tại các hội quần chúng theo đúng quy định của pháp luật.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng cho biết, qua các ý kiến thảo luận và báo cáo của Thành ủy Hà Nội, đoàn khảo sát đã có được bức tranh khá toàn cảnh về các hội quần chúng tại Thủ đô. Đồng thời, đánh giá cao vai trò của các hội trong việc tích cực tham gia giám sát, phản biện xây dựng Đảng, chính quyền cũng như việc tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các hoạt động ngoại giao Nhân dân.
Đối với những khó khăn, kiến nghị nêu tại cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư đề nghị, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các hội quần chúng nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đối với Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, sớm hoàn thiện báo cáo, bám sát các yêu cầu của T.Ư. Đồng thời nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất cụ thể để từ đó Đoàn công tác sẽ có những kiến nghị nhằm tham mưu T.Ư trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng.