Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/10, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai chỉ đạo của Bộ GTVT trong...

Kinhtedothi - Sáng 28/10, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai chỉ đạo của Bộ GTVT trong công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải khách cố định liên tỉnh. Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện đã cùng đại diện Bộ GTVT lắng nghe, giải đáp những thắc mắc cho các DN vận tải của TP.

Quy hoạch luồng tuyến cụ thể

Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT của Bộ GTVT về việc quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách (VTHK) cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng tới 2030, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai lấy ý kiến các DN vận tải, xây dựng biểu đồ quy hoạch tuyến, chuẩn bị công bố công khai và báo cáo Bộ GTVT.

Sở cũng đã xây dựng trình tự pháp lý cụ thể bao gồm 4 bước đối với việc xin khai thác, đấu thầu tuyến, hướng dẫn cho các DN.
Giám đốc bến xe Yên Nghĩa Hoàng Vĩnh Long đề nghị tổ chức lại giao thông trước cửa bến Yên Nghĩa để tránh ùn tắc.
Giám đốc bến xe Yên Nghĩa Hoàng Vĩnh Long đề nghị tổ chức lại giao thông trước cửa bến Yên Nghĩa để tránh ùn tắc.
Theo đó, Sở sẽ phân bổ số tuyến VTHK về cho các bến xe, các bến tự xây dựng biểu đồ nốt, chuyến báo cáo Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, sắp xếp, sau đó Sở sẽ công bố công khai, minh bạch cho các DN đăng ký hoặc đấu thầu khai thác. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, chậm nhất đến ngày 30/11, Sở sẽ hoàn thành và công bố biểu đồ tuyến.

Một nội dung được các đại biểu tham dự Hội nghị đặc biệt quan tâm là việc bỏ thủ tục chấp thuận tuyến do các Sở GTVT cấp, để cho DN ký kết hợp đồng vận chuyển trực tiếp với các bến xe. Cho đến thời điểm này, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc bỏ chấp thuận tuyến là chưa phù hợp và dễ dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý VTHK cố định liên tỉnh. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên tỏ ra khá gay gắt về quyết định này.

Ông Liên cho rằng, bỏ chấp thuận tuyến sẽ khiến tình trạng xe "dù", bến "cóc" phát triển mà Sở GTVT - cơ quan quản lý trực tiếp tại địa phương khó lòng kiểm soát nổi. “Nếu muốn giản tiện thủ tục, giúp đỡ DN, chỉ cần chuyển từ hình thức làm thủ tục bằng văn bản sang thủ tục điện tử” - ông Liên nói. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội vẫn sẽ tiến hành triển khai theo đúng tinh thần Quyết định số 2288/QĐ - BGTVT, trong quá trình áp dụng vào thực tế sẽ lưu ý những vấn đề nảy sinh và báo cáo Bộ GTVT để tìm biện pháp giải quyết.

Nhiều kiến nghị cấp bách

Bên cạnh việc bỏ thủ tục chấp thuận tuyến còn gây nhiều tranh cãi, các DN VTHK, khai thác bến xe còn nêu nhiều kiến nghị với Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội. Giám đốc Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội Lưu Hồng Hoàng đề nghị, cơ quan quản lý có biện pháp điều chỉnh lại mức thu hoa hồng tiền vé của các bến xe: “Hiện, tiền hoa hồng thu theo mức cố định cho tất cả các chuyến xe là chưa hợp lý, bởi có chuyến đông, chuyến vắng, ngày thường khác ngày lễ. Cần có mức thu sát thực tế hơn, cụ thể theo từng lượt xuất bến để bớt thiệt thòi cho nhà xe”.

Bên cạnh mức thu hoa hồng như hiện hành, thời lượng xếp nốt trong các bến xe trên nhiều tuyến cố định liên tỉnh còn ngắn, từ 10 - 15 phút/chuyến, lượng khách không đảm bảo làm ảnh hưởng đến doanh thu của DN. Một khi doanh thu bị hụt, tất yếu sẽ dẫn đến những vi phạm như lê la trên đường, dừng đỗ đón khách không đúng nơi quy định, gây mất trật tự, ATGT.

Giám đốc Trung tâm Khai thác bến xe Hà Nội (bến xe Yên Nghĩa) Hoàng Vĩnh Long kiến nghị Bộ GTVT có biện pháp xử lý hạng mục của công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đang thi công trước cửa bến xe Yên Nghĩa.

Theo đó, từ khi công trình này thi công, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, lại bị thu hẹp 2/3, cứ vào giờ cao điểm, đặc biệt khi có mưa lớn là giao thông khu vực cửa bến ùn tắc nghiêm trọng, các xe phải quay chờ bên ngoài; nhiều khi bến phải mở cả cổng cho người dân đi vòng qua sân bến, khai thông ùn tắc. Tình trạng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của bến. Ngoài ra, các đơn vị khai thác bến xe còn xin được lắp đặt thêm camera ngoài cổng hoặc trích xuất dữ liệu từ camera của CSGT để tự xử lý các xe “rùa bò”, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN.

Tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của DN, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cam kết sẽ tổng hợp, báo cáo lên Bộ GTVT để có điều chỉnh phù hợp bằng văn bản pháp lý. Bên cạnh đó, ông Viện cũng giao Phòng Quản lý vận tải khẩn trương hoàn thành, công khai biểu đồ quy hoạch luồng tuyến cố định liên tỉnh trên địa bàn TP, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản lý, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, tạo môi trường phát triển thuận lợi cho DN vận tải trên địa bàn Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần