Tạo môi trường để kinh doanh phát triển, tạo nguồn thu bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn có tham luận tại Đại hội lần thứ XII của Đảng quanh chủ đề "Tái cơ cấu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước".

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Để đảm bảo cơ cấu ngân sách hướng tới phát triển, cần bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến cơ cấu ngân sách để đảm bảo ngân sách bền vững, phấn đấu cơ cấu thu ngân sách 80% là thu từ nội địa; các khoản thu từ dầu thô, thuế nhập khẩu, bán quyền sử dụng đất giảm hơn 5% trong tổng thu ngân sách. 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, nếu đạt được cơ cấu này mới đảm bảo được ổn định và phát triển về ngân sách trong tình hình giá dầu thô biến động hiện nay và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế bởi hiện nay, Việt Nam thực hiện cắt giảm 11.600 dòng thuế, đến hết năm 2015 đã cắt được 8.300 dòng thuế. 
 Đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính trình bày tham luận “tài cơ cấu ngân sách Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Ảnh: TTXVN
 Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: TTXVN
Đồng thời, cần tiết kiệm trong thu chi thường xuyên để dành ngân sách cho đầu tư phát triển. Thay vì dành cho đầu tư và trả nợ chỉ khoảng 12% hiện nay, hướng phấn đấu phục hồi lại ở mức độ 20% - 25% vào năm 2020. Về cơ cấu chi, tốc độ chi cho đầu tư phát triển phải tăng nhanh hơn chi thường xuyên và đảm bảo cơ cấu chi vào khoảng 24% - 25% so với tổng chi ngân sách nhà nước. Đồng thời cơ cấu lại chi thường xuyên dưới 60%; đảm bảo bội chi cả giai đoạn 2016 -2020 bình quân dưới 4% để đảm bảo được nợ công dưới 65%, đảm bảo tính bền vững của ngân sách. 

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đưa ra các giải pháp như: Đổi mới thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế,... đồng thời cải cách toàn diện, triệt để, mạnh mẽ thủ tục hành chính, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp để tạo môi trường cạnh tranh về kinh doanh phát triển để tạo nguồn thu bền vững. Hoàn thành nhiệm vụ xã hội hóa, giao quyền tự chủ đầy đủ, nhất là tự chủ về tài chính cho khối đơn vị sự nghiệp công, sao cho đối với ngành y tế trước năm 2018 và ngành giáo dục trước năm 2019 phải tự chủ được tối thiểu 80%, tiếp tục dồn nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, đối tượng nghèo, cận nghèo nhưng với vùng đô thị có điều kiện phải tập trung xã hội hóa ngay. 

Đồng thời, cần phát triển thị trường tài chính, tăng chuyển động vốn để doanh nghiệp huy động trực tiếp từ nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán, bớt lệ thuộc vào tình hình tín dụng. Thực hiện phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện giải pháp phát triển doanh nghiệp dân doanh, nghiên cứu xây dựng luật khuyến khích phát triển doanh nghiệp dân doanh, xây dựng chính sách thuế và cơ cấu tính thuế riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng cơ chế và các quỹ khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thay cho cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa thực sự đi vào cuộc sống…