Đây là một trong rất nhiều nội dung được nêu tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.
Cụ thể, điểm b, mục 2 Điều 30 của Nghị định quy định phạt từ 500 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia. Phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia.
Về sự cần thiết ban hành và thực thi một cách nghiêm túc những quy định nói trên là điều được khẳng định nếu chúng ta biết rằng mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động, bình quân đầu người (trên 15 tuổi ở cả nam và nữ) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít/năm. Theo thống kê năm 2019, cả nước tiêu thụ 305 triệu lít rượu, 4,2 tỷ lít bia/năm. Dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 5%/năm cho đến năm 2022!Cần thiết là như vậy, song có một thực tế là trong khi việc xác định các hành vi vi phạm như uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập… là khá dễ dàng, thì với hành vi ép buộc, xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia xem ra không đơn giản. Nói vậy bởi có một thực trạng là ở Việt Nam ta, rượu bia vẫn được coi như là một phương tiện giao lưu mang tính văn hóa. Xưa các cụ có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, nay dường như ly rượu, cốc bia… đã thay cho miếng trầu truyền thống. Khó có thể tìm thấy một hoạt động, nghi lễ nào của đời sống xã hội, cộng đồng từ ma chay, hiếu hỷ cho đến khai trương, tổng kết, hội thảo, hội nghị… mà thiếu sự có mặt của bia, rượu. Thậm chí người ta còn lấy rượu bia làm thước đo cho tình cảm, sự hiếu khách và lòng nhiệt tình. Có những cơ quan, đơn vị, địa phương còn lập ra cả một đội, đa phần là những chị em có hình thức dễ coi và đặc biệt là tửu lượng cao để tiếp khách với mục tiêu là làm sao để các vị khách phải uống thật nhiều, thật say. Và hậu quả là có những vị khách sau những buổi giao lưu như vậy không bao giờ dám quay lại!Trở lại việc xác định, xử phạt. Như trên đã nói, việc nhận diện hành vi này không hề đơn giản, mặc dù nó diễn ra khá phổ biến. Theo bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế, việc thực hiện các quy định của Nghị định 117/2020/NĐ-CP đều có các hướng dẫn cụ thể. Do đó, việc phân tích, xác minh nhận diện những hành vi ép buộc, xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia cũng có cơ sở để thực hiện. Pháp luật cũng cho phép người dân có thể chụp ảnh, quay phim, ghi hình… để làm bằng chứng phản ánh với cơ quan có thẩm quyền. Chính người bị ép buộc cũng có thể báo cáo, cơ quan chức năng sẽ xác minh, nếu đúng sẽ xử phạt.Tuy nhiên, chúng ta đều biết mục đích của việc xử phạt trước hết nhằm định hướng, điều chỉnh hành vi, để người dân có ý thức rằng đây là hành vi bị cấm và không vi phạm. Những quy định nói trên cũng là cơ sở để người dân ngăn chặn, tố giác những hành vi vi phạm. Người bị ép cũng có cơ sở pháp luật để từ chối.Nói cách khác, việc xác minh, xử phạt và tiến tới hạn chế, loại trừ hành vi ép buộc, xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức hành động của mỗi người và cộng đồng. Mặt khác, những vi phạm được phát hiện, xử phạt nghiêm sẽ tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, cộng đồng.Tin rằng, quy định xử phạt nghiêm khắc hành vi ép người khác uống rượu bia, uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP sẽ đi vào cuộc sống, tương tự như những quy định trước đây là bắt buộc đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi lái xe... tạo thành nét đẹp văn hóa mới trong xã hội.