Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Tạo quyền hạn vượt trội cho Thủ đô gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực

Thanh Hải - Thuỷ Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã được thể hiện trong hội nghị đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP Hà Nội vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do UBND TP tổ chức vào sáng nay, 18/9.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị.

Luật Thủ đô cần có tính bao trùm, vượt trội

Đóng góp vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô ở thời điểm này là chín muồi. Đến thời điểm này, thành phố đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ để xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tuy nhiên, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị hoàn thiện hơn nữa bản dự thảo theo hướng cô đọng hơn nữa, khát quát cao hơn nữa, trong đó cần tận dụng tối đa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đơn cử như nội dung phần tổ chức thực hiện Nghị quyết phân công rất rõ, rất hay, chỉ cần chỉnh sửa câu chữ cho phù hợp với văn bản Luật là có thể đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị. 
Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị. 

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị đặc biệt nhấn mạnh đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải có một điều có tính bao trùm, khái quát hơn khẳng định tính vượt trội so với các luật khác.

“Luật Thủ đô 2012 có quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính, nhưng theo tôi là mới chỉ vượt chứ chưa trội. Vì đối với Hà Nội, những vi phạm như trật tự xây dựng gây ra những hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Nếu chỉ quy định cho phạt gấp 2 lần các địa phương khác thì người ta thấy vẫn rất có lợi nên vẫn sẵn sàng vi phạm. Nên có thể cho phép Hà Nội quy định mức phạt, thông qua tại HĐND thành phố; mức phạt có thể cao gấp nhiều lần mức của các địa phương khác, thậm chí là 50 lần. Chúng ta phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm. Mong là các cơ quan lập pháp như Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp ủng hộ Hà Nội theo hướng đó” – Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói.

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị phải tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND thành phố cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác, tương tự đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội; đi liền với quyền hạn là tăng trách nhiệm, trách nhiệm phải lớn hơn.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND TP, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn góp ý vào Chương II dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cụ thể là Điều 9 về HĐND thành phố quy định rõ được bầu 125 đại biểu, trước đây chỉ được bầu có 95 đại biểu; tăng như vậy là phù hợp, tôi hoàn toàn tán thành. Quy định số lượng cụ thể là rất đúng. Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Trần Văn Tuấn cũng đề nghị phải tăng thẩm quyền Hà Nội quyết định về biên chế công chức, viên chức; quy định cụ thể về hệ số tăng thêm hằng năm để dễ tổ chức thực hiện.

Góp ý về nội dung quy định di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi nội đô, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, bản chất quy hoạch Thủ đô là quy hoạch vùng, nên theo Luật Quy hoạch là phải tuân thủ quy hoạch ngành và quy hoạch cấp quốc gia. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ mối quan hệ này để bảo đảm việc di dời các cơ sở trên có tính khả thi, phù hợp, không bị chồng chéo, không vi phạm các luật chuyên ngành. Cụ thể tại Điều 29, việc quy định di dời các cơ sở y tế phải tính toán kỹ để bảo đảm không làm xáo trộn việc chăm sóc sức khoẻ của người dân và bảo đảm nơi mới phải tốt hơn nơi cũ; đánh giá cả các cơ sở y tế của Hà Nội, chứ không chỉ di dời các bệnh viện Trung ương.

Quyền hạn đi cùng với trách nhiệm

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, dự thảo Luật cần cô đọng hơn nữa. Về tên gọi, lần này Luật Thủ đô được bổ sung hẳn 2 chương, nên có thể gọi là Luật Thủ đô sửa đổi và bổ sung. Còn về quan điểm, cần thống nhất là đây là Luật Thủ đô chứ không phải luật cho riêng Hà Nội. Để quy định được các quy định vượt trội, thì phải thống nhất là quan điểm là quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm, không phải đặc quyền đặc lợi; đi liền với quyền hạn vượt trội, Thủ đô phải gương mẫu, đi đầu trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Từ thống nhất quan điểm như thế, mới có thể mạnh dạn giao quyền hạn vượt trội cho Hà Nội.

Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị. 
Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị. 

Về phân quyền cho Hà Nội, nguyên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đề nghị phải tính toán, xem xét kỹ với từng đề xuất, phải căn cứ vào năng lực, khả năng thực hiện, các hệ quả liên quan… Ví dụ như đề xuất quy định giao cho HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1000ha, đất trồng lúa dưới 500ha sang mục đích khác là không phù hợp.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm cho rằng, quy định việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô là rất cần thiết, đáp ứng; bởi còn chưa di dời thì thành phố có làm bao nhiêu đường nữa vẫn không giải quyết được ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cần có quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị di dời và có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, kinh phí cho các đơn vị này.

Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô là hoàn toàn phù hợp bởi nhiều quy định hiện hành đã không còn phù hợp. Dự thảo Luật lần này đã tập trung phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, quy định trách nhiệm cả Hà Nội, đưa được nhiều nội dung, văn bản mới nhất… Ấn tượng với Điều 4 và Chương II của dự thảo Luật, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố lên 125 đại biểu thì tính bình quân cứ 75.000 dân có 1 đại biểu, vẫn thấp hơn 3 lần so với trung bình cả nước (khoảng 26.000 dân có 1 đại biểu HĐND cấp tỉnh).

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại hội nghị. 
Nguyên Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh phát biểu tại hội nghị. 

“Nên bổ sung 1 điều hoặc 1 khoản đặt ở Chương II quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND thành phố thực hiện nhiệm vụ giữa hai kỳ họp. Nên quy định rõ về thành phố trực thuộc thành phố. Không chỉ dừng ở phát hiện, bồi dưỡng mà cần quy định rõ về đào tạo nhân tài”- Nguyên Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị.

Về Điều 28, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho rằng, đây là điều thể hiện nội dung mới về an sinh xã hội; tuy nhiên nên bổ sung thêm đối tượng là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật thì sẽ hoàn thiện hơn.

Tán thành 5 quan điểm nêu trong Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội, đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, nên cân nhắc từ bỏ các từ “vượt trội”, vì điều quan trọng không phải là từ “vượt trội” mà sự vượt trội ấy phải được thể hiện trong các điều, khoản của dự thảo Luật.

Cần có tiêu chuẩn cao hơn về xây dựng đô thị

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện cho rằng, đối với Thủ đô môi trường phải được coi là quan trọng số 1 khi xét duyệt các chương trình, dự án; dù là đầu tư hàng nghìn tỷ mà không bảo đảm về môi trường thì không thể cấp phép đầu tư, không thể thông qua, cho nên Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm rõ được điều này.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện đồng thời đề nghị, Luật Thủ đô phải quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về xây dựng đô thị, khắc phục những bất cập như việc xây dựng các toà nhà nhiều tầng trong ngõ chật hẹp không bảo đảm an toàn, xe chữa cháy không vào được như vụ cháy tại quận Thanh Xuân vừa qua.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện phát biểu tại hội nghị.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện phát biểu tại hội nghị.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, từ Điều 8 đến Điều 15, đưa lên quận và thành phố trực thuộc Thành phố cần thiết phải có kế hoạch chuyển tiếp; chưa thấy nói về vấn đề này. Nhà thơ Bằng Việt cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về yêu cầu bảo vệ môi trường, thành lập quỹ bảo vệ môi trường trong Luật Thủ đô (sửa đổi), hiện mới quy định rải rác trong một số điều nhưng chưa rõ.

Quan tâm vấn đề văn hoá trong dự thảo Luật, nhà thơ Bằng Việt cho rằng, Hà Nội là Thủ đô văn hiến, nên văn hoá phải được quan tâm số 1, có chiến lược phát triển văn hoá lâu dài, bền vững. Học theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Hà Nội nên có viện nghiên cứu và quảng bá văn hoá, đồng thời có ưu tiên đặc biệt cho phát triển văn hoá, phải tính toán chiến lược lâu dài và bắt đầu tư bây giờ. Luật nên viết dài hơn, kỹ hơn về công nghiệp văn hoá, cho phép Hà Nội cởi mở, phóng khoáng hơn, có quỹ lớn hơn trong việc phát triển văn hoá.

Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt phát biểu tại hội nghị. 
Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt phát biểu tại hội nghị. 

Nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đề nghị đặt tên là Luật Thủ đô Hà Nội để làm rõ đây là quy định về Luật dành cho Thủ đô Hà Nội, xác định rõ trách nhiệm của Hà Nội trong luật. Thủ đô của cả nước rồi thì phần trách nhiệm phải nêu rất rõ ràng về phần trách nhiệm của Hà Nội ra sao, phần trách nhiệm của trung ương, trách nhiệm của nhân dân cả nước ra sao. Ví dụ như cải tạo chung cư cũ chậm, nếu chẳng may xảy ra động đất mà nguy hiểm đến tính mạng người dân thì trách nhiệm Hà Nội, trách nhiệm Trung ương đến đâu, phải rất rõ.

“Chất lượng nội dung Luật Thủ đô sửa đổi mới là chính, nếu đạt được yêu cầu chất lượng thì thông qua, nếu chưa đạt thì không vội thông qua, chứ không nên cố thông qua cho có thành tích” – Nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu điều hành phần thảo luận.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu điều hành phần thảo luận.

Điều hành phần thảo luận, trân trọng cảm ơn 8 ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, luật Thủ đô đã rất quan trọng rồi, quan trọng hơn nữa là khi được Quốc hội thông qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đi vào đời sống, được thực hiện hiệu quả, thực chất tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm.

Phát biểu kết luận và tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tinh thần chung của các bộ, ngành hiện nay đều rất ủng hộ đối với Luật Thủ đô (sửa đổi). Trao đổi, làm rõ thêm các ý kiến góp ý của đại biểu, đề cập đến việc đề xuất phân quyền HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất diện tích dưới 1.000 ha, đất lúa dưới 500ha là nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thủ tục, thời gian; vì hiện nay, các dự án dù chỉ có một ít đất lúa, đất rừng, nhưng phải trình đúng cấp có thẩm quyền, hoàn thành xong phải mất hơn 1 năm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, như trường hợp đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã tham gia hội nghị đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản.

"Chúng tôi xin tiếp thu nghiêm túc và giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu tiếp thu cụ thể để hoàn thiện các điều, khoản và nội dung, hình thức dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội"- Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nêu rõ.