Tạo ra sự đồng thuận

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 73 năm tính từ thời điểm bài “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đăng trên báo Sự thật (số ra ngày 15/10/1949), tư tưởng của Bác về tinh thần gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân luôn được các cấp ủy, chính quyền học và làm theo.

Tại TP Hà Nội đã xuất hiện nhiều giải pháp, mô hình hay đem lại hiệu quả thực tế, tạo sự đồng thuận, đặc biệt trước những vấn đề dân sinh bức xúc.

Cán bộ dân vận và Mặt trận Tổ quốc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) tuyên truyền cho người dân về dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường Vũ Trọng Phụng. Ảnh: Hùng Thập
Cán bộ dân vận và Mặt trận Tổ quốc phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) tuyên truyền cho người dân về dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường Vũ Trọng Phụng. Ảnh: Hùng Thập

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý

Trong bài “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), những lời dạy đó của Bác không chỉ giúp hiểu rõ sứ mạng và mục tiêu hoạt động của Đảng mà còn phê bình trực diện chủ nghĩa quan liêu trong một số cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, để làm công tác dân vận, cán bộ, đảng viên phải thực sự là những người gương mẫu trước quần chúng về tất cả mọi mặt.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian vừa qua, các cấp ủy, chính quyền tại TP Hà Nội tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng chủ động, thiết thực, tập trung vào những việc mới, việc khó. Hệ thống dân vận các cấp TP sâu sát hơn, gắn bó hơn với các cấp chính quyền cơ sở, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, giải phóng mặt bằng (GPMB)… góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp.

Phong trào “Dân vận khéo” được triển khai gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội...

Điển hình như các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã giúp tuyên truyền, vận động nông dân hiến đất mở đường, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, các mô hình “Dân vận khéo” trong vận động GPMB đã giúp nhiều dự án được triển khai trong đồng thuận….

Nhiều việc mới, khó được giải quyết

Tại các quận, huyện, phong trào “Dân vận khéo” được tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có công tác GPMB, quản lý đô thị, chỉnh trang đường phố, chống ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường…, đặc biệt là những vấn đề dân sinh bức xúc.

Những kết quả đạt được đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, tạo niềm tin trong dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền. Ở các tổ chức chính trị xã hội, cũng xuất hiện nhiều mô hình hay như: MTTQ với mô hình “Dân vận khéo” trong công tác hòa giải; Đoàn Thanh niên với mô hình “Dân vận khéo” trong công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường phố…

Hiện TP Hà Nội đang tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Như Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, đây là dự án quan trọng quốc gia, với yêu cầu rất cao về tiến độ GPMD. Vì vậy, 7 quận, huyện có dự án đi qua, gồm: Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín, Hà Đông, Thanh Oai cần chủ động nghiên cứu và đề xuất các phương án để triển khai thực hiện dự án, nhất là phương án di dời nghĩa trang, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, nhất trí cao với các dự án của T.Ư và TP, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... là vấn đề được đặt ra. Và công tác dân vận đóng vai trò quan trọng. Đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân... để tăng tính kết nối giữa người dân và chính quyền các cấp, tạo ra sự đồng thuận.