Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại ĐBSCL

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Vụ Công tác Dân tộc địa phương, để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trước mắt cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Chiều 11/5, tại TP Cần Thơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ phối hợp cùng Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trường ĐH Cần Thơ, Viện FNF tại Việt Nam và Vụ Công tác Dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc) tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng ĐBSCL”.

Thông qua Hội thảo, từ những ý kiến, đề xuất tâm huyết của đại biểu đóng góp sẽ gợi mở cho Ban tổ chức, nhà hoạch định chính sách tìm ra giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh Hồng Thắm 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh Hồng Thắm 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc tổ chức Hội thảo hết sức quan trọng và có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đây cũng là dịp để tìm ra giải pháp phù hợp, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Là dịp để lãnh đạo các tỉnh, thành phố đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia.

“Đối với địa phương, việc chăm lo cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ rất lớn và rất quan trọng. Để chăm lo tốt hơn về đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, thành phố sẽ nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; kết nối với doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người lao động; tôn vinh, biểu dương nhân sĩ tri thức, người có uy tín…”, ông Nguyễn Văn Hồng nhấn mạnh.

Theo Vụ Công tác Dân tộc địa phương, ĐBSCL có 44 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 43 DTTS với hơn 1,3 triệu người (chiếm 7,58% dân số toàn vùng). Đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh ở 9 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Phần đông đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; một bộ phận người Hoa, Chăm sinh sống bằng dịch vụ mua bán và tiểu thủ công nghiệp.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước thường xuyên chăm lo, đầu tư, hỗ trợ nên kinh tế-xã hội của đồng bào DTTS có bước phát triển khá; kết cấu hạ tầng vùng dân tộc từng bước phát triển; hoạt động giáo dục trong vùng dân tộc được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, sinh hoạt tôn giáo thuần tuý và các hoạt động lễ hội truyền thống được tạo điều kiện và đẩy mạnh, các trường đặc thù đào tạo tri thức tôn giáo được quan tâm, đầu tư.

Tuy nhiên, theo điều tra thống kê thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS năm 2019 tại vùng ĐBSCL, số hộ nghèo dần tập trung là người DTTS, nhất là dân tộc Khmer; tỷ lệ học sinh bỏ học cao; tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và không có việc làm còn rất cao.

Ngoài ra, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Công tác xây dựng, triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn còn nhiều bất cập...

Để tạo sinh kế bền vững cho vùng đồng bào DTTS, Vụ Công tác Dân tộc các địa phương cho rằng, trước mắt cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025. Coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế bền vững cho vùng đồng bào DTTS nói chung, ở vùng ĐBSCL nói riêng.

Đồng thời, cần nhận thức và quán triệt văn hóa Việt Nam là văn hóa của quốc gia đa tộc người trong đó văn hóa các DTTS là một bộ phận có tính đặc thù trong chính sách bảo tồn, phát triển. Có chính sách và đầu tư đúng tầm tạo điều kiện phát huy vai trò của chủ thể văn hóa – đồng bào các dân tộc trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng và phát triển đất nước. 

 

Theo Vụ Công tác Dân tộc địa phương, sinh kế của mỗi dân tộc có thể ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển, bảo tồn các giá trị văn hóa nếu nó phát triển bền vững. Ngược lại, với nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, không có tính bền vững thì nền văn hóa sẽ bị đồng hóa, mai một, luôn là nguy cơ tiềm ẩn.

Chính nhờ sự phát triển sinh kế làm cho nhiều giá trị bản sắc dân tộc ta được phát huy, khẳng định, đồng thời qua đó nhiều giá trị mới làm cho bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng hơn. việc chủ động, tích cực phát triển sinh kế sẽ phát huy được tiềm năng lợi thế của các dân tộc thiểu số, vừa tranh thủ được các điều kiện mới để phát triển