Thủ đô chỉ có một
Luật Thủ đô 2012 đã tạo bước đột phá để Thủ đô Hà Nội tiến lên một bước mới; đặc biệt, vị thế, tầm vóc của Thủ đô càng được nâng cao sau mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào cuộc sống, việc thực thi Luật Thủ đô 2012 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Việc hoàn thiện sửa đổi Luật Thủ đô vô cùng có ý nghĩa đặc biệt, cấp thiết, bởi nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hà Nội là một đô thị đặc biệt và là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Theo đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội với tầm nhìn dài hạn… để Hà Nội phát triển đột phá, từ đó tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS-TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chúng ta đều biết rằng Hà Nội không phải là chỉnh thể của một địa phương mà là Thủ đô của cả nước; là hình ảnh đại diện vị thế của quốc gia, là hình mẫu dẫn dắt và lan tỏa phát triển của cả nước. Do vậy, Thủ đô Hà Nội phải phát triển ở trình độ cao hơn với lộ trình phát triển nhanh hơn, đi trước cả nước về các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là Thủ đô của nước phát triển có thu nhập cao. Hà Nội phải có sức hút mạnh hơn để quy tụ những nguồn lực và trí tuệ, tinh hoa trong và ngoài nước vào đầu tư, phát triển, xây dựng Thủ đô.
“Vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải hướng đến 3 mục tiêu. Thứ nhất, phải đặt ra yêu cầu phát triển Thủ đô phải cao hơn, nhanh hơn cả nước. Thứ hai, phải có cơ chế thực sự vượt trội để khai thác các tiềm năng, thế mạnh nội tại của Thủ đô và tạo sức hút mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài. Thứ ba, phải quy định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô phải cao hơn cả nước. Ba yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể, mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho phát triển Thủ đô” - GS-TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô đạt chất lượng, xứng tầm
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Đây là dự án Luật quan trọng không chỉ có ý nghĩa đối với xây dựng, phát triển Thủ đô mà còn đối với cả nước. Đây cũng là dự án Luật khó, mang tính đặc thù, đa ngành, có nhiều nội dung khác với một số luật hiện hành.
Thời gian qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc với các cơ quan, cho ý kiến về các nội dung lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự kiến, sáng 14/3, ngày làm việc đầu tiên tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, ngay sau Kỳ họp thứ 6, các cơ quan đã tích cực phối hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành phố Hà Nội cũng rất chủ động trong việc đề xuất những nội dung tiếp thu, chỉnh lý. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, hầu hết các điều, khoản đều đã được chỉnh lý và bổ sung nhiều nội dung mới.
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều 5/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục rà soát kỹ các nội dung dự thảo, nghiên cứu tối đa ý kiến của các bộ chuyên ngành, đặc biệt tiếp thu các chủ trương, đường lối, định hướng quan trọng của T.Ư, Bộ Chính trị, nhất là ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thể chế hóa trong dự thảo Luật; làm sao để Luật vừa bảo đảm tính khả thi, vừa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Là hành lang pháp lý để Hà Nội phát triển xứng tầm một đô thị đặc biệt - trung tâm của cả nước, phạm vi của Luật Thủ đô mới phải toàn diện, bao quát trên hầu hết các lĩnh vực, không chỉ quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thủ đô trong một số lĩnh vực như trước đây mà còn quy định về tổ chức chính quyền địa phương và việc phân quyền cho chính quyền địa phương trên địa bàn Thủ đô cũng như việc liên kết, phát triển vùng Thủ đô.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nêu rõ, việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Quốc hội nhiệm kỳ này. Các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, vì công việc chung, phối hợp chặt chẽ, cùng nhau hoàn thiện dự thảo để có được Luật Thủ đô đạt chất lượng, xứng tầm.